.

Chiến tranh Lạnh kiểu mới

Vào những năm 90 của thế kỷ trước, sau biến cố của Liên Xô và sự tan rã của một loạt các nước XHCN ở Đông Âu, cuộc Chiến tranh Lạnh kéo dài kể từ sau Thế chiến thứ 2 năm 1945, giữa một bên là Liên Xô với các nước XHCN, bên kia là Mỹ và các đồng minh ở châu Âu đã dần kết thúc.

Tuy nhiên, những dư âm của nó vẫn lắng đọng ở nhiều phương diện trên bàn cờ chính trị và kinh tế, nhất là khi Nga sau một thời gian suy yếu đã từng bước củng cố vị trí của mình và ngày càng là một bên đối trọng với Mỹ cùng các đồng minh trong nhiều vấn đề phức tạp của thế giới.

Trước hết, ta có thể thấy, Mỹ và các đồng minh ở châu Âu không muốn Nga trở thành cường quốc về cả chính trị lẫn kinh tế, mà như một quốc gia đơn thuần trong không gian Á - Âu, chịu sự chi phối chung trong tầm kiểm soát của Mỹ. Gần hai thập kỷ qua, những gì diễn ra ở cả khu vực châu Âu và các nơi khác trên thế giới, Mỹ cùng các nước đồng minh chủ chốt như Anh - Pháp - Đức đều có cùng tiếng nói mang tính áp đặt, đưa vào chuyện đã rồi để Nga không thể làm gì khác, cho dù có phản ứng mạnh mẽ đi chăng nữa. Trong số các sự kiện đó, vấn đề Kosovo tách khỏi Serbia thành quốc gia độc lập, nhưng Nga phản đối, là ví dụ điển hình nhất.

Thứ hai, Mỹ và châu Âu đã cố công xây dựng tuyến an ninh sát biên giới Nga bằng việc nhanh chóng thu nạp các quốc gia Đông Âu và các nước vốn nằm trong không gian Xô viết trước đây vào Liên minh châu Âu (EU) và trong khối quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO). Ngoài ra, họ còn tiến hành xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo dưới danh nghĩa chống Iran và CHDCND Triều Tiên, nhưng kỳ thực là ngăn chặn và vô hiệu hóa Nga trên lĩnh vực này. Nga đã liên tiếp phản đối nhưng Mỹ và châu Âu dường như không để tâm mấy.

Thứ ba, Mỹ và các đồng minh đã tranh thủ thời cơ khi Nga còn yếm thế để nhanh chóng lấp lỗ trống những ảnh hưởng của Kremlin trước đây tại Trung Đông, châu Phi, châu Mỹ… Hàng loạt cuộc chiến tranh do Mỹ và các đồng minh phát động ở Serbia, Afghanistan, Iraq…, dù Nga phản đối mạnh mẽ đến đâu cũng không ngăn chặn được tham vọng của Washington, London, Paris.

Qua đó có thể thấy, ảnh hưởng của Nga bị thu hẹp một cách đáng kể, hay nói cách khác là nằm trong thế bao vây khá toàn diện của Mỹ và các đồng minh.

Nhưng cũng không vì thế mà chính quyền Nga chờ đợi sự tấn công từ mọi phía của Mỹ và đồng minh, để rồi mất đi vai trò cường quốc vốn có từ thời Liên Xô trước đây mà Kremlin thừa hưởng.

Nga đã từng bước thúc đẩy nền kinh tế của mình nhằm tạo nguồn lực cho xã hội và an ninh-quốc phòng. Sau thời gian bị suy thoái, kinh tế Nga đã phục hồi. Nguồn dự trữ dồi dào. Nguồn năng lượng dồi dào, nhất là khí đốt, dầu hỏa, đã giúp Nga tăng thu ngân sách lớn và kéo theo là ảnh hưởng của nó đối với nhiều quốc gia châu Âu do phải lệ thuộc. Mặt khác, Nga đã đẩy mạnh nền công nghiệp quốc phòng, vừa để tăng cường tiềm lực phòng thủ, vừa nhanh chóng trở thành nhà xuất khẩu vũ khí hàng đầu thế giới, với doanh thu trong hơn 5 năm trở lại đây từ 6 đến 12 tỷ USD mỗi năm.

Trên bình diện quốc tế, Nga cũng đã tỏ thái độ rõ ràng, minh bạch trên nhiều vấn đề, từ cuộc chiến chống khủng bố do Mỹ đứng đầu, đến vấn đề vũ khí hủy diệt ở Iraq, Iran, Lybia, Syria… Nga đã tham gia giải quyết một cách có trách nhiệm và thậm chí tháo ngòi nổ chiến tranh trong gang tấc, mà Syria là ví dụ cụ thể.

Đặc biệt, Nga đã khẳng định Mỹ và các đồng minh không thể xem nhẹ vai trò của mình và dồn ép Kremlin vào thế bị động hay đe dọa an ninh khi đưa tuyến phòng thủ của NATO vào sát biên giới nước Nga.

Sự kiện gần đây nhất dẫn chứng cho hành động đó là chính biến ở Ukraine. Có mấy điều mà Nga phản đối: lôi kéo Kiev về EU, nhưng lại thúc đẩy chủ nghĩa bài Nga một cách nguy hiểm; đưa kế hoạch phòng thủ vào sát biên giới Nga; thu hẹp quyền lợi và ảnh hưởng của Nga trong không gian hậu Xô viết… Nhưng có lẽ cái chính là Mỹ và các đồng minh đã bội ước khi hủy thỏa thuận ngày 21-2 về Ukraine; và thúc đẩy các hành động vi hiến, tấn công mang tính khủng bố của các phần tử cực đoan trong lực lượng chống chính quyền làm biến dạng chính quyền ở Ukraine.

Trong bối cảnh đó, Nga không thể ngồi chờ mà ra tay hành động, để bảo vệ lợi ích của mình và ngăn chặn các hành động cực đoan nhằm vào công dân Nga ở Ukraine. Còn sự kiện xảy ra ở Crimea như là hệ quả tiếp theo sau khi màn kịch mà Mỹ và các đồng minh cố công tạo dựng ở Ukraine mà thôi!

Mỹ và phương Tây hiện xem kết quả trưng cầu dân ý ở Crimea là bất hợp pháp, còn Nga cho rằng đúng với tinh thần Hiến chương LHQ, nên việc Crimea trở thành thành phần của Nga chỉ là vấn đề thời gian mà thôi. Các hành động trừng phạt mà Mỹ và châu Âu đưa ra đối với Nga có thể theo nhiều cấp độ khác nhau, nhưng theo các nhà phân tích chính trị thế giới, đây là cuộc “Chiến tranh Lạnh kiểu mới” của thế kỷ XXI.

Bởi lẽ, nó cho thấy quan hệ Nga - Mỹ và đồng minh đã thật sự “đóng băng” trên hàng loạt phương diện, nhưng không triệt tiêu hoàn toàn như Chiến tranh Lạnh trước đây. Tính ràng buộc - nhất là về kinh tế giữa Nga với các đồng minh của Mỹ ở châu Âu - thì rất nặng, không thể loại trừ hẳn và ngay tức khắc. Ngay trong nội bộ EU cũng có những bất đồng, để “có trừng phạt” mang tính ngoại giao nhưng không gây thiệt hại cho mình. Hơn thế, một số nước châu Âu rất thực dụng, cố công thúc đẩy biến cố ở Ukraine, nhưng chi tiền để cứu nền kinh tế Kiev thì không, và nếu có thì cũng kéo theo hàng trăm sự ràng buộc.

Cuộc “Chiến tranh Lạnh kiểu mới” đã khai mào trong thế kỷ XXI, nhưng hình hài của nó đang ở cấp độ bước đầu giữa một bên là Nga và phần còn lại là Mỹ và châu Âu. Dư luận đang chờ xem những màn đấu tiếp theo trong những ngày đến khi số phận của Crimea được Nga định đoạt và những diễn biến tiếp theo ở Ukraine, nhất là khu vực phía Đông nước này.

TUYẾT MINH

;
.
.
.
.
.