.

Cơn chấn động ở Ukraine

Nền chính trị thế giới đang đứng trước những khúc quanh khá phức tạp với những gam màu khác nhau ở khắp các châu lục. Nó xảy ra đến mức khó lường và có thể đẩy một quốc gia vào nội chiến, hoặc một cuộc chiến tranh giữa các nước láng giềng với nhau.

Hiện nay tâm điểm chú ý của dư luận và các nhà lãnh đạo thế giới là những diễn biến tại Ukraine, khi chính quyền của Tổng thống Viktor Yanukovych bị sụp đổ và Thượng viện Nga đã cho phép Tổng thống Vladimir Putin có quyền can thiệp quân sự nếu các lợi ích cũng như kiều dân Nga sinh sống ở Ukraine bị đe dọa. Tổng thống lâm thời Ukraine Olexander Turchynov cho rằng đã diễn ra cuộc xâm lược của Nga vào nước này, nhất là tại Crimea, đồng thời kêu gọi sự giúp đỡ của Mỹ và phương Tây.

Bên cạnh đó, do nền kinh tế đang kiệt quệ, Ukraine cũng kêu gọi sự trợ giúp của Mỹ, Đức, Anh, Pháp để không bị phá sản hoàn toàn. Tất cả những nhân tố đó đang làm Ukraine trở thành một bức tranh xám xịt trên mọi phương diện chính trị - kinh tế - xã hội.

Ủng hộ chính quyền lâm thời ở Ukraine, phương Tây vừa tung ra hàng loạt tuyên bố từ mọi góc cạnh khác nhau như: đe dọa về cấm vận kinh tế, cô lập về chính trị, lên án Nga vi phạm luật pháp quốc tế… để Mátxcơva phải lo ngại và không có hành động quân sự nhằm vào Ukraine.

Trong khi đó, dư luận đang trông chờ quyết định của Tổng thống Putin. Câu hỏi đặt ra là ông có hành động như đã làm ở Georgia hay khác đi? Theo giới quan sát, ông Putin sẽ làm khác đi rất nhiều.

Những bước thăng trầm trong quan hệ với Ukraine cho thấy Nga không ép buộc Kiev phải đi theo mình mà có thể gia nhập Liên minh châu Âu (EU) nhưng không được làm xâm hại lợi ích của Mátxcơva. Nga cũng không muốn có cuộc “chiến tranh với nước láng giềng anh em”, như tuyên bố của Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev ngày 3-3, mà mong muốn quốc gia này ổn định, phát triển các mối quan hệ thân thiện với Nga. Đồng thời, ông nhấn mạnh Nga hiện vẫn coi ông Yanukovych là Tổng thống hợp hiến của Ukraine.

Việc Tổng thống Putin không chính thức tuyên bố mà thông qua Thủ tướng Medvedev để truyền đi thông điệp đó với phương Tây cho thấy, ông đang nắm trong tay nước cờ cao cho cuộc khủng hoảng chính trị ở Ukraine. Hay nói khác đi, ông Putin cho cả Ukraine lẫn phương Tây một lối thoát duy nhất là hãy đưa nước này trở lại trình tự của Hiến pháp, đồng thời các công dân Nga cùng lợi ích của Nga tại quốc gia này không bị đe dọa.

Có một lý lẽ sâu xa, đối với phương Tây, những gì diễn ra ở Ukraine chủ yếu được xem là cuộc đấu tranh của phái dân chủ thân phương Tây chống một chính phủ độc đoán theo đuôi Mátxcơva. Song, lập trường chính thức của Nga đối với tình hình ở Ukraine phản ánh một quan điểm hoàn toàn khác: chính phủ các nước phương Tây tỏ ra quá ngây thơ, hỗ trợ những kẻ cực đoan bạo lực có khuynh hướng phát xít và cực hữu vô cùng nguy hiểm. Thậm chí, một tổ chức trong chính quyền lâm thời Ukraine ngày 3-3 còn lên tiếng kêu gọi chi nhánh Al-Qaeda ở Trung Á tấn công Nga.

Do vậy, ngay những người biểu tình của phe đối lập cũng không tin vào thành phần chính phủ lâm thời khi nó bị phân hóa sâu sắc vì các mục tiêu chính trị, quyền lợi khác nhau. Và đến nay họ còn quyết định tiếp tục biểu tình ở Kiev.

Thế nên, cuộc tập trận khẩn cấp gần biên giới Ukraine hay những gì diễn ra ở Crimea vài ngày qua của quân đội Nga chỉ là động thái mà ông Putin cảnh báo, chứ không mang tên “chiến tranh xâm lược” như Mỹ, phương Tây và chính quyền lâm thời Ukraine tuyên bố. Vì ông Putin đủ khôn ngoan để tháo ngòi nổ chiến tranh ở Syria thì hà cớ gì ông lại không đủ bản lĩnh để tự tay tháo ngòi nổ chiến tranh cho mình?

Các nhà quan sát chính trị nhận thấy, trong vài ngày tới sẽ có cuộc gặp giữa Nga - Mỹ và EU để bàn về số phận của Ukraine. Khủng hoảng có thể được giải quyết thông qua LHQ hoặc Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE). Có lẽ đó phương cách tốt nhất mà các bên có liên quan đang hướng tới và cũng là xu thế tất yếu hiện nay.

TUYẾT MINH

;
.
.
.
.
.