.

Châu Âu chợt tỉnh?

Để khai thác nguồn tài nguyên phục vụ nền kinh tế đang tăng tốc và mở rộng tầm ảnh hưởng chính trị, Trung Quốc tổ chức Hội nghị cấp cao Trung Quốc - châu Phi vào tháng 10-2000 tại Bắc Kinh. Tại hội nghị, Trung Quốc tuyên bố miễn giảm 10 tỷ Nhân dân tệ cho các nước nghèo châu Phi. Các hội nghị cấp cao hai bên liên tục diễn ra sau đó, đưa ra những giải pháp tích cực cho tăng cường quan hệ nhiều mặt.

Theo đó, quan hệ kinh tế Trung Quốc - châu Phi phát triển không ngừng. Trung Quốc trở thành một trong những đối tác thương mại lớn nhất của châu Phi. Đầu tư của Trung Quốc rải rác khắp 49 quốc gia châu Phi. Trung Quốc nhập khẩu dầu lớn của Algeria, Sudan, Angola; dự kiến trong vòng 4 năm tới sẽ nhập khoảng 60 tỷ thùng dầu của Algeria bằng 4 năm nhập khẩu dầu của các nước trên thế giới tại khu vực này. Trung Quốc đã đầu tư lớn vào Sudan và trở thành đối tác quan trọng của Sudan. Sudan có rất nhiều dầu mỏ, chỉ riêng dầu mỏ nước này cũng đáp ứng 10% nhu cầu của Trung Quốc; có ngày như năm 2008, Trung Quốc nhập trung bình 800.000 thùng/ngày.

Các nhà quan sát cho rằng, không đơn giản là vấn đề lượng dầu, cũng không phải việc phân quyền giữa Trung Quốc với các nước phương Tây, mà ở vấn đề chính trị, an ninh năng lượng của Trung Quốc.

Thực tế cho thấy, Trung Quốc gần đây tuy đã tăng viện trợ cho châu Phi, nhưng so với các nước phát triển khác viện trợ cho châu lục này thì số tiền bỏ ra vẫn ở mức khiêm tốn. Năm 2007, viện trợ ODA của Mỹ vào châu Phi là 7,6 tỷ USD; Pháp 4,9 tỷ USD; Nhật 2,7 tỷ USD; Đức 2,5 tỷ USD nhưng Trung Quốc chỉ có 1,4 USD.

Viện trợ của Trung Quốc chỉ chiếm 20% tại châu Phi. Nhưng có vài con số làm không ít người ngạc nhiên: hiện tại dân số của Angola có 45% là người Trung Quốc, Tanzania có 10% là người Trung Quốc. Nghĩa là có thể viện trợ Trung Quốc chưa nhiều nhưng vẫn là “rượu cũ” khi bài toán “dùng người trị người” vẫn được áp dụng tại châu Phi.

Thấy được điều đó, những năm qua, Mỹ đã có những đối sách chống lại sự thâm nhập sâu của Trung Quốc vào châu Phi. Chẳng hạn, tại Libya, Mỹ và đồng minh xóa bỏ chế độ Gaddafi khiến Trung Quốc mất trắng 20 tỷ USD (con số chưa chính thức) khi đầu tư ở đó về cơ sở hạ tầng, viễn thông và dầu lửa. Hoặc tình trạng giao tranh ác liệt trong thời kỳ Mùa xuân Arab 2011 cũng làm dự án này tới dự án khác bị bỏ trống, khiến Trung Quốc thua lỗ nặng nề bởi hơn ½ đầu tư của Bắc Kinh trong lĩnh vực dầu lửa ở các khu vực bị coi là bất ổn, như Iran, Nigeria, Sudan, Nam Sudan…

Thức tỉnh trước một Trung Quốc đang “hoành hành” ở “lục địa đen”, châu Âu cũng ra tay hành động. Đó là Hội nghị Thượng đỉnh châu Âu - châu Phi (EU-AU) quy tụ tới 80 nguyên thủ quốc gia tại Brussells (Bỉ) ngày 2-4 với chủ đề “Đầu tư cho con người, cho thịnh vượng và hòa bình”. Đặc biệt, vấn đề tự do hóa trao đổi mậu dịch và cân bằng cán cân thương mại là mục tiêu của thượng đỉnh.

Ủy viên EU phụ trách phát triển, Andris Piebalgs, cho biết EU đóng góp 45% trợ giúp phát triển công cho châu Phi, mức đóng góp tương đương 0,43% GDP của EU, thấp hơn hứa hẹn 0,7%. Nhờ các tài trợ của EU, 14 triệu trẻ em được học tiểu học, 70 triệu người được dùng nước sạch… Nhiều nước châu Phi có thể đạt được các mục tiêu Thiên niên kỷ, sắp hết hạn vào năm 2015, như đẩy lùi nạn đói nghèo, mở rộng hệ thống nước sạch, giảm tỷ lệ trẻ sơ sinh tử vong…

Cũng theo Andris Piebalgs, sau 2015, các mục tiêu Thiên niên kỷ cần được triển hạn và được bổ sung với các mục tiêu khác như: nhân quyền, phát triển bền vững, chống biển lận tài chính, gia tăng công bằng trong tư pháp…

Đặc biệt, vấn đề xung đột tại Trung Phi được quan tâm. Chủ tịch Hội đồng châu Âu Herman Van Rompuy nhấn mạnh cuộc khủng hoảng tại Trung Phi là mối quan tâm lớn của EU do xung đột gia tăng giữa người Thiên chúa giáo và người Hồi giáo, cũng như các hành động trả đũa diễn ra trên toàn đất nước châu Phi này. Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon đã kêu gọi các nước bổ sung thêm lực lượng và nguồn tài chính cho lực lượng chung của châu Âu triển khai tại Cộng hòa Trung Phi. EU sẽ chính thức tuyên bố gửi quân tham gia lực lượng duy trì hòa bình tại Cộng hòa Trung Phi, với quân số lên đến 10.000 người, để gánh vác nhiệm vụ cùng với nước Pháp.

Tổng thống Pháp François Hollande và Thủ tướng Đức Angela Merkel đều bày tỏ sẵn sàng phối hợp với AU nhằm chấm dứt bạo lực tại Trung Phi. Ông Hollande đề xuất thành lập liên minh của hai châu lục nhằm đối phó với 3 thách thức liên quan đến an ninh, phát triển và môi trường. Berlin và Paris cũng muốn đóng vai trò chủ đạo tại châu Phi, riêng Đức đã cử 2 máy bay vận tải tham gia chiến dịch của EU tại châu Phi. EU cũng đã quyết định chi 30 triệu euro trong tổng số 352 triệu euro cam kết để trợ giúp bình ổn tình hình Cộng hòa Trung Phi. Ngoại trưởng Anh William Hague cho biết, nước ông sẽ đóng góp thêm 7,2 triệu euro cho chương trình viện trợ nhân đạo tại Cộng hòa Trung Phi, nâng tổng số tiền mà London tài trợ cho quốc gia châu Phi này lên 27,8 triệu euro. Chủ tịch EU Jose Manuel Barroso khẳng định EU sẽ dành 800 triệu euro cho quỹ “Trợ giúp châu Phi” giai đoạn 2014-2016 nhằm giúp tăng cường khả năng phòng chống và quản lý xung đột.

Các nhà quan sát cho rằng, tuy đối mặt với nhiều vấn đề phức tạp tại châu lục của mình, nhưng EU không ngần ngại tăng cường hợp tác, đầu tư vào châu Phi để tạo vị thế và đối phó với những tham vọng đầy nguy hiểm của Trung Quốc tại lục địa này.

TUYẾT MINH

;
.
.
.
.
.