.

Khủng hoảng chưa có hồi kết

.

Cách đây hơn 6 tháng, phe đối lập, hay còn gọi là phong trào “Áo vàng” đã khởi sự cuộc biểu tình trên quy mô lớn nhằm chống chính phủ của Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra.

Tuy nhiên, với thái độ bình tĩnh, khôn ngoan và mang tính ôn hòa, bà Yingluck đã lèo lái đất nước, nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị.

Nhưng nỗ lực của bà Yingluck, em của cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra, dường như không thỏa mãn các đòi hỏi của phe chống đối vì điều duy nhất mà họ muốn là bà phải ra đi, chấm dứt sự cầm quyền của dòng họ Shinawatra trên chính trường Thái Lan.

Từ ngày 5-4, hàng chục ngàn người ủng hộ chính phủ của Thủ tướng Yingluck, chủ yếu từ miền đông bắc và miền bắc, đến Bangkok bằng xe buýt để chuẩn bị đối phó với một “cuộc đảo chính bằng tư pháp” mới do phong trào Áo vàng chủ xướng. Ở bục diễn thuyết có một khẩu hiệu trên phông nền đỏ: “Hãy ngừng phá hoại nền dân chủ!”. Năm 2008, phong trào Áo vàng cũng đã từng dùng biện pháp này để lật đổ chính phủ lên nắm quyền.

Hơn 3.000 cảnh sát và quân nhân được huy động để bảo đảm an ninh tại nơi biểu tình, một khu phố ven thủ đô. Ông Paradorn Pattanatabut, Tổng Thư ký Hội đồng An ninh quốc gia - cố vấn của Thủ tướng, cho biết “chính phủ chờ đợi sẽ có hơn 200.000 người Áo đỏ” tham dự cuộc tập hợp. Ông Paradorn bảo đảm không lo ngại về các đụng độ giữa phong trào Áo đỏ với phong trào Áo vàng. Song, ông không loại trừ các khiêu khích này do “một phía thứ ba”, vì phần lớn trong số 24 người thiệt mạng kể từ đầu cuộc khủng hoảng cách đây 6 tháng do bị trúng đạn hay trúng lựu đạn, mà nguồn gốc các cuộc tấn công không xác định được.

Cuộc biểu tình của những người Áo đỏ, dự kiến kéo dài đến ngày 8-4, hiện ôn hòa nhưng có thể trở nên dữ dội, nếu nữ Thủ tướng Yingluck bị Tòa án Hiến pháp phế truất.

Theo phe đối lập Thái Lan, một khi bà Yingluck bị cách chức, một “Thủ tướng trung lập” sẽ thay thế vị trí này, chấm dứt sự thống trị của “gia tộc Shinawatra”.

Phát biểu trong cuộc biểu tình, lãnh đạo phong trào Áo đỏ Jatuporn Prompan cảnh báo: “Nếu đối phương ngoan cố và bổ nhiệm một thủ tướng trung lập hay đảo chính, những người Áo đỏ sẽ chống lại”. Ông Jatuporn nhấn mạnh: “Chúng tôi muốn cảnh báo nếu bất cứ ai muốn đảo chính thì nội chiến sẽ xảy ra. Bản thân chúng tôi cũng không mong muốn cuộc nội chiến này nhưng chúng tôi sẽ tiến hành nếu nền dân chủ Thái Lan bị đánh cắp”.

Các nhà quan sát cho rằng đó không phải cảnh báo suông. Trong cuộc khủng hoảng năm 2010, sự phản kháng dữ dội của phong trào Áo đỏ chống chính phủ do phe đối lập nắm giữ, sau “cuộc đảo chính tư pháp”, cuối cùng đã bị quân đội giải tán. Cuộc khủng hoảng đó có hơn 90 người thiệt mạng và hàng trăm người khác bị thương khi quân đội can thiệp.

Những diễn biến nói trên cho thấy cuộc khủng hoảng chính trị ở Thái Lan chưa có hồi kết. Nếu Áo vàng thắng thế, nguy cơ xung đột vũ trang sẽ xảy ra như tuyên bố của thủ lĩnh Áo đỏ. Còn nếu Áo đỏ thắng thế thì Áo vàng cũng không thể lùi ngay mà tiếp tục có những phản ứng, trong đó biểu tình là phương thức khá phổ biến ở Thái Lan.

Nguồn gốc sâu xa của vấn đề chưa được giải quyết một cách triệt để, chủ yếu giữa giới trung lưu ở thành thị, nhất là Bangkok với người nghèo và nông dân ở miền bắc và đông bắc, thì nền chính trị của Thái Lan sẽ rơi vào vòng luẩn quẩn, khó có sự ổn định bền vững. Một khi không có sự ổn định chính trị thì sẽ tác động đến nền kinh tế, dẫn đến sản xuất công nghiệp, nông nghiệp và du lịch của Thái Lan khó phục hồi.

TUYẾT MINH

;
.
.
.
.
.