Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ bắt đầu chuyến công du 4 nước châu Á với chặng dừng chân đầu tiên ở Nhật Bản ngày 23-4. Song, ông chủ Nhà Trắng phải đối mặt với những băn khoăn của Nhật Bản rằng, cam kết của Washington đang yếu đi trong việc bảo vệ Tokyo trước sự trỗi dậy của Trung Quốc. Điều đáng nói là ông Obama sẽ không đến thăm Trung Quốc, nhưng những câu chuyện liên quan đến Bắc Kinh sẽ luôn được đặt trên bàn nghị sự của nhà lãnh đạo này khi hiện diện ở 4 nước.
Liên minh an ninh quan trọng của Mỹ với châu Á là thông điệp mà Tổng thống Obama mang đến Nhật Bản cũng như đến Hàn Quốc, Malaysia và Philippines lần này. Đặc biệt, các quan chức Mỹ và Nhật Bản đều cho rằng, liên minh hai nước sẽ vững chắc khi Tokyo lần đầu tiên chào đón một Tổng thống Mỹ đến thăm kể từ sau sự hiện diện của Tổng thống Bill Clinton tại xứ sở hoa anh đào vào năm 1996.
Thực tế, Mỹ hoan nghênh những nỗ lực của Thủ tướng Shinzo Abe trong việc khôi phục nền kinh tế Nhật Bản sau hai thập niên trì trệ, để từ đó chia sẻ nhiều hơn gánh nặng của liên minh tồn tại suốt 54 năm qua. Trong quan hệ đối tác chiến lược, Nhật Bản cần có sự ủng hộ của Mỹ trong chính sách an ninh, còn Washington cũng cần “cái bắt tay” chặt chẽ của Tokyo trong chiến lược “xoay trục” về châu Á.
Tuy nhiên, mối quan hệ liên minh không phải không có những lúc sóng gió. Chuyến thăm đền Yasukuni của Thủ tướng Abe vào tháng 12 năm ngoái khiến Mỹ không hài lòng. Nhà Trắng lo ngại động thái này sẽ làm mối quan hệ giữa Nhật với Trung Quốc và Hàn Quốc thêm căng thẳng, trong lúc sự hợp tác 3 bên Mỹ - Nhật - Hàn vẫn được cho là quan trọng để cùng chia sẻ những giá trị và lợi ích chung trong việc giải quyết hàng loạt vấn đề, trong đó có chương trình hạt nhân của CHDCND Triều Tiên. Là đồng minh của cả Nhật lẫn Hàn, Mỹ đang nỗ lực đóng vai trò trung gian để cải thiện quan hệ giữa hai nước.
Song, trong 4 nước mà ông Obama sẽ đặt chân đến, có 3 nước liên quan tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc: Nhật Bản và Trung Quốc căng thẳng về chủ quyền trên biển Hoa Đông; Malaysia và Philippines căng thẳng với Trung Quốc về chủ quyền trên Biển Đông.
Các chuyên gia nói rằng, những nhà hoạch định chính sách ở Nhật Bản không nghi ngờ về cam kết của Mỹ trong việc bảo vệ các đảo theo hiệp ước an ninh đã ký trước đó. Tuy nhiên, các quan chức trong chính phủ Nhật lại quan ngại về việc Trung Quốc đang thúc đẩy “quan hệ kiểu mới của những nước lớn” với Mỹ. Theo cựu Thứ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Hitoshi Tanaka, với mối quan hệ như thế, Washington sẽ phải tôn trọng các “lợi ích cốt lõi” của Bắc Kinh và đây sẽ là “vấn đề” đối với Tokyo. “Đó là lý do vì sao tôi nói rằng, hãy để chúng tôi minh bạch hơn trong quan hệ 3 bên, giữa Nhật Bản, Mỹ và Trung Quốc”, ông Hitoshi Tanaka nói.
THIÊN BÌNH