Quan sát & Bình luận
Cường quốc cô độc
Diễn đàn An ninh khu vực châu Á - Thái Bình Dương Shangri-La tại Singapore lần thứ 13 từ ngày 30-5 đến 1-6 thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận quốc tế sau sự kiện Trung Quốc ngang ngược đưa giàn khoan Hải Dương-981 vào vùng biển Việt Nam. Không những thế, trong những ngày qua, Trung Quốc liên tục có những hành động gây hấn trên không tại vùng biển Hoa Đông đang có tranh chấp chủ quyền với Nhật Bản khiến tình hình khu vực thêm căng thẳng.
Tại Đối thoại Shangri-La lần này, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe với tư cách khách mời tuyên bố nước ông và Mỹ sẵn sàng thắt chặt hợp tác với Úc và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Thủ tướng Abe nhiều lần nhắc đến “nhà nước pháp quyền” và kêu gọi các quốc gia trong vùng tôn trọng 3 nguyên tắc: tôn trọng chuẩn mực quốc tế về đường phân định biên giới; không dùng biện pháp cưỡng chế, áp đặt; và phải giải quyết bằng biện pháp hòa bình.
Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel không úp mở đã chỉ trích Trung Quốc khiến Phó Tổng tham mưu trưởng Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc Vương Quán Trung “nóng mặt”. Trước sự xâm phạm chủ quyền Việt Nam một cách trắng trợn và hành động gây hấn vô nhân đạo đối với ngư dân Việt Nam, vậy mà người đứng đầu phái đoàn Trung Quốc ở Shangri-La Vương Quán Trung vẫn thản nhiên lấp liếm khi nói rằng, Bắc Kinh “chưa từng chủ động gây hấn đối với các vấn đề liên quan đến chủ quyền lãnh thổ và biên giới trên biển của mình”; và rằng “luôn có các bên liên quan chủ động tạo sự cố, rồi sau đó chính phủ Trung Quốc không còn cách nào khác phải đáp trả” (?!).
Lời lẽ của ông Vương Quán Trung đã cố tình lấp liếm sự thật, hàm ý cho rằng Trung Quốc là “nạn nhân” trong các vụ gây hấn vừa qua và họ “buộc phải” có hành động đáp trả khi bị “tấn công”. Một sự đổi trắng thay đen đến mức khó có ngôn từ nào lột tả hơn được!
Theo AFP, bà Phó Oánh, Chủ tịch Ủy ban đối ngoại của quốc hội Trung Quốc cũng có mặt tại Singapore, cho rằng Nhật Bản khai thác xung khắc vấn đề biển đảo để sửa đổi chính sách an ninh khu vực và điều này làm các quốc gia trong vùng lo ngại (?!).
Cũng tại Đối thoại Shangri-La lần thứ 12 năm ngoái, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng là diễn giả chính đã trình bày chính sách đối ngoại của Việt Nam một cách ấn tượng. Trong đó, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu bật nhiều vấn đề trong khu vực mà cộng đồng quốc tế quan tâm, nhất là “xây dựng lòng tin chiến lược” giữa các quốc gia khi có khá nhiều vấn đề nóng nổi lên, trong đó có vấn đề Biển Đông và mối quan hệ Trung Quốc với các quốc gia láng giềng.
Tuy nhiên, những gợi mở đó dường như không được Trung Quốc quan tâm, mà ngược lại vẫn cố tình quyết tâm thúc đẩy chiến lược biển, với việc biến gần như toàn bộ Biển Đông thành “ao nhà” với yêu sách đường 9 đoạn (còn gọi là “đường lưỡi bò”) một cách phi lý.
Rõ ràng Trung Quốc luôn hành động giữa lời nói không đi đôi với việc làm, bất chấp luật pháp quốc tế để thực hiện các lợi ích quốc gia riêng rẽ… và điều này đã thật sự đánh mất lòng tin của nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam.
Bởi vậy, các nhà quan sát hoàn toàn có lý khi cho rằng, tại Đối thoại Shangri-La lần này, Trung Quốc là một cường quốc cô độc.
TUYẾT MINH