Quan sát & Bình luận
Thế giới đã khác?
Vậy là chưa đầy 24 tiếng đồng hồ sau cuộc trưng cầu dân ý, Mátxcơva đã công nhận nền độc lập của Crimea. Theo sắc lệnh của Tổng thống Vladimir Putin, với ý nguyện của nhân dân Crimea được bày tỏ qua cuộc trưng cầu dân ý ngày 16-3, Nga quyết định công nhận nước Cộng hòa Crimea như một nhà nước có chủ quyền và độc lập, đồng thời thành phố Sevastopol có một quy chế đặc biệt. Nga đang tiến hành những bước đi cuối cùng tại Tòa án liên bang để Crimea để trở thành một thành viên của Liên bang.
Ngay lập tức, Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ đồng loạt thông báo hàng loạt biện pháp mới trừng phạt Mátxcơva và một số lãnh đạo cũ tại Ukraine. Anh cũng tuyên bố ngừng các hợp tác quân sự với Nga. Tổng Thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen chỉ trích Nga không tôn trọng mọi lời kêu gọi quay trở lại tuân thủ luật pháp quốc tế, thay vào đó đã tiếp tục dấn thân vào “một con đường nguy hiểm”. Lãnh đạo các nền công nghiệp hàng đầu thế giới (G8) sẽ nhóm họp bên lề Hội nghị Thượng đỉnh về an ninh hạt nhân tại Hà Lan vào tuần tới mà không có Nga để thảo luận về việc ứng phó với cuộc khủng hoảng tại Ukraine.
Những động thái đó cho thấy, dù Mỹ và EU có những phản ứng gay gắt, nhưng rất cẩn trọng trong các bước đi thực tế chống lại Mátxcơva, vừa để ngỏ cánh cửa cho giải pháp ngoại giao, vừa do ngần ngại việc này có thể đe dọa việc khôi phục kinh tế thế giới. Tờ La Croix (Pháp) cho rằng, những biện pháp trừng phạt này có thể gây rủi ro cho chính Mỹ và EU. Chưa nói đến vấn đề kinh tế, theo La Croix, các quyết định trừng phạt của phương Tây có thể gây tổn hại đến các cuộc đàm phán xung quanh những hồ sơ lớn như Syria, hạt nhân Iran mà các nước phương Tây đang rất mong chờ sự tham gia tích cực của Nga.
Các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với Nga đều được đánh giá không mang lại nhiều hiệu quả, thậm chí còn phản tác dụng. Vậy thì phương Tây muốn thu được gì từ người Nga qua các phản ứng này? Nhật báo kinh tế Les Echos (Pháp) lý giải, trước mắt họ muốn người Nga để yên cho phần còn lại của Ukraine, duy trì nguyên trạng trong các vùng lãnh thổ khác cũng có đông người gốc Nga như trong các nước vùng Baltic hay Moldavia. Ngoài ra, phản ứng của phương Tây cũng chỉ nhằm khẳng định lại rằng, cộng đồng quốc tế có các quy định và ông Putin có bổn phận phải tôn trọng. Để đạt được như vậy, mỗi bên phải tự nhìn thấy cái lợi cho mình để đàm phán (?!).
Dmitry Peskov, thư ký báo chí của Tổng thống Nga, trong cuộc phỏng vấn với công ty phát thanh truyền hình Anh BBC tuyên bố: “Nếu một đối tác kinh tế ở phía này của thế giới áp đặt lệnh trừng phạt, chúng tôi sẽ chuyển sự chú ý của mình sang các đối tác khác ở phần khác của thế giới. Thế giới này không đơn cực, chúng tôi sẽ tập trung vào các đối tác kinh tế khác”.
Đặc biệt, dư luận Nga cũng như quốc tế hết sức chú ý bài phát biểu của Tổng thống Putin về vấn đề Crimea trong phiên họp bất thường của Quốc hội Nga. Ông Putin nói rằng trong trái tim và tâm trí của nhân dân Nga, “Crimea luôn và vẫn là một phần không thể tách rời của Nga”, số phận của vùng lãnh thổ này luôn là một vấn đề “quan trọng sống còn” với nước Nga.
Ông Putin đã bác bỏ ý kiến cho rằng, Nga đang cố gắng giành lấy các khu vực khác của Ukraine và gieo rắc nỗi sợ hãi. “Chúng tôi không muốn là kẻ chia cắt Ukraine, chúng tôi không cần điều này”, ông nói.
Tổng thống Putin cáo buộc phương Tây đã vượt quá giới hạn trong vấn đề Ukraine và đang dùng các biện pháp trừng phạt hòng đe dọa Nga. Đồng thời, ông tuyên bố Nga sẽ không bao giờ khơi mào một cuộc đối đầu với phương Tây, nhưng cũng sẽ bảo vệ quyền lợi của chính mình.
Liên quan tới những động thái can thiệp quân sự trên thế giới, bao gồm cả tại khu vực Trung Đông, ông Putin nhận định, các đối tác phương Tây - đứng đầu là Mỹ - đã bị dẫn đường bởi “quy tắc của súng đạn”. Trong khi bác bỏ những cáo buộc Nga đang tiến hành một cuộc xâm lược, ông Putin nhấn mạnh: Tại Crimea, chưa hề có một viên đạn nào được nổ. Tổng thống Nga thẳng thắn vạch ra rằng chính chủ nghĩa dân tộc, chủ nghĩa tân phát-xít, những kẻ thù ghét Nga và chống lại người Xê-mít đứng đằng sau cuộc đảo chính ở Ukraine; và rằng những kẻ tiếm quyền, cực đoan đang nắm giữ chính quyền ở Kiev.
Trên Twitter, Maria Danilova, phóng viên hãng tin AP ở Ukraine viết: “Một bài diễn văn lịch sử. Thế giới sẽ không bao giờ còn như trước nữa”. Alexey Yaroshevsky, phóng viên hãng tin Nga RT viết: “Cứ nói hay nghĩ bất cứ điều gì bạn muốn, đồng ý hay không đồng ý cũng được, nhưng dù thế nào cũng không thể phủ nhận đây là một bài diễn văn lịch sử. Có lẽ là bài diễn văn vĩ đại nhất của Putin”.
Còn giới quan sát chính trị đều cho rằng, “thế giới nay đã khác”, khi Đông - Tây đã trở nên lạnh lẽo, bởi nảy sinh từ biến cố ở Ukraine mà câu chuyện Crimea “trở về với Nga” là đỉnh điểm.
TUYẾT MINH