.

Kẻ thù hay đồng minh?

.

Nhìn lại tình hình khu vực Trung Đông trong một năm qua ta thấy có nhiều biến động khó lường. Có thể nói cả khu vực này đang nằm trong vòng xoáy bạo lực triền miên từ chiến tranh đến xung đột biên giới, xung đột sắc tộc, xung đột tôn giáo diễn ra ở các quốc gia như Ai Cập, Lybia, Iraq, Palestine-Israel, Syria… và đã cướp đi sinh mạng của hàng trăm ngàn dân thường vô tội.

Trong chuỗi các sự kiện đó, có một cuộc nội chiến hiện đang được dư luận quốc tế hết sức quan tâm là Syria. Bởi cách đây hơn một năm, quốc gia này đang ở bên vực của một cuộc chiến tranh khốc liệt mà Mỹ và phương Tây chuẩn bị phát động, với lý do chính quyền của Tổng thống Syria Bashar al Assad vì đã “sử dụng vũ khí hóa học giết hại thường dân”?!

Tại thời điểm đó, Mỹ và phương Tây tăng viện trợ quân sự cho phe đối lập chống chính phủ và đẩy mạnh các hoạt động bao vây, cấm vận toàn diện nhằm làm cho chính quyền Tổng thống Syria Bashar al Assad nhanh chóng sụp đổ.

Thế nhưng cục diện bất ngờ thay đổi khi Nga đứng ra làm trung gian tháo ngòi nổ trong vấn đề “vũ khí hóa học”, bằng việc thuyết phục chính quyền Syria giao nộp không điều kiện toàn bộ kho vũ khí hóa học của mình cho LHQ để tiến hành tiêu hủy.

Động thái đó nhanh chóng giúp ngăn chặn một cuộc chiến tranh thứ ba trên quy mô lớn với sự tham gia của Mỹ và phương Tây nữa xảy ra ở khu vực Trung Đông là Iraq và Lybia kể từ đầu thế kỷ XXI đến nay.

Tuy nhiên, có một vấn đề quan trọng hơn xuất hiện tại khu vực này là lực lượng Hồi giáo Thánh chiến cực đoan hơn cả Al-Qaeda. Ban đầu, theo như các nhà quan sát thì nó là sản phẩm được Qatar và vài nước trong khu vực bảo trợ nhằm chống lại Syria, nhưng chúng đã biến thành một thế lực hùng mạnh và tàn bạo không chỉ chống chính quyền của Tổng thống Syria Bashar al Assad, mà còn có tham vọng lớn hơn hình thành một Nhà nước Hồi giáo.

Bị gạt ra khỏi tâm điểm thời sự quốc tế, do khủng hoảng Ukraine và xung đột quân sự khốc liệt ở dải Gaza, tình hình Syria lại được phương Tây quan tâm trở lại do sự trỗi dậy mạnh mẽ của Nhà nước Hồi giáo. Đây là một tổ chức cực đoan, có nguồn gốc từ Nhà nước Hồi giáo Iraq (tuyên bố thành lập năm 2006) và đổi tên thành Nhà nước Hồi giáo tại Iraq và Trung Đông (vào năm 2013), rồi thành Nhà nước Hồi giáo hồi cuối tháng 6 vừa qua, hiện kiểm soát nhiều vùng lãnh thổ ở Syria và Iraq.

Đây thật sự là một cú sốc lớn đối với Mỹ và phương Tây. Kể từ khi tổ chức này thành công trong việc chiếm được quyền kiểm soát một phần lãnh thổ của Iraq và Syria, IS đang làm run sợ cả thế giới. Nó làm đảo lộn về chiến lược chống khủng bố lâu nay Mỹ và các đồng minh thực hiện là nhằm vào Al-Qaeda chủ yếu, thì nay phải đối diện với một lực lượng hùng mạnh hơn về chiến binh, chiến thuật lẫn nguồn tài chính dồi dào. Theo đánh giá của Alaya Allani, một chuyên gia về Hồi giáo thuộc Đại học Tunis, “Tổ chức này có đến 12 ngàn quân, sở hữu nhiều thiết bị tinh vi, thu được từ quân đội Iraq, và rất có thể có một gia tài trị giá lên đến một tỷ đô-la”.

Những ngày qua, Mỹ và phương Tây nêu quyết tâm diệt trừ lực lượng Nhà nước Hồi giáo, mà Tổng thống Mỹ Barack Obama gọi là một khối “ung thư”. Động thái này được các nhà quan sát quốc tế đánh giá như một món quà trời cho đối với ông Bashar al Assad. Tổng thống Syria khẳng định là từ nay, phương Tây chia sẻ quan điểm với ông về cuộc xung đột ở nước này, vì: Ngay từ năm 2011, Assad đã cho rằng các tổ chức khủng bố vũ trang gây ra làn sóng phản đối chế độ độc tài ở nước này.

Như vậy, sau khi tìm cách lật đổ Tổng thống Bashar al Assad, Mỹ và phương Tây lại phải nói chuyện với ông, bởi vì một số căn cứ của Nhà nước Hồi giáo nằm trên lãnh thổ Syria và Bashar al Assad sẽ ở tuyến đầu trong cuộc chiến chống lực lượng khủng bố này.

Theo ông Bertrand Badie, chuyên gia về quan hệ quốc tế của Pháp, Bashar al Assad khai thác vấn đề Nhà nước Hồi giáo “như con ngáo ộp để lôi kéo người dân về phía chế độ và làm suy yếu các lực lượng nổi dậy khác”. Còn trên phạm vi quốc tế, “tất cả mọi người đều muốn là Assad tiếp tục cầm quyền thay vì ông ta bị lật đổ và Nhà nước Hồi giáo tiến vào tận Damas”.

Vậy Tổng thống Bashar al Assad là kẻ thù hay đồng minh của Mỹ và phương Tây trong bối cảnh tình hình như hiện nay?

Tại London, Ngoại trưởng Anh Philipp Hammond dường như đang chuẩn bị cho khả năng này. Ngày 22-8, ông tuyên bố: “Có thể là vào một số dịp nào đó, chúng tôi đấu tranh chống lại những kẻ mà ông Assad cũng đang chống, nhưng điều này không biến ông ta thành đồng minh của chúng tôi”.

Trong khi đó, Fabrice Balanche, chuyên gia về Syria, phụ trách nhóm nghiên cứu về Địa Trung Hải và Trung Đông, thuộc Maison de l’Orient (Pháp) nhấn mạnh: “Hiện nay, không có ai khác ngoài Pháp và Arab Saudi chống lại chế độ Syria, còn Mỹ thì đã nói, thật là ảo tưởng khi nghĩ rằng phe đối lập có thể thay thế Bashar al Assad, từ một năm nay, người ta đã hiểu rằng chế độ này sẽ tiếp tục tồn tại”. Fabrice Balanche nhận định, rõ ràng là Bashar al Assad đang trong đà giành thắng lợi tại Syria và “vấn đề cần biết là ông ta sẽ tái lập sự kiểm soát lãnh thổ với tốc độ nào, phải chăng là trên toàn bộ lãnh thổ quốc gia hay ông ta sẽ để lại một số vùng tự trị”.

Nhưng diễn biến dư luận sẽ không khó nhận ra Tổng thống Syria Bashar al Assad là kẻ thù hay đồng minh của Mỹ và phương Tây?

Bởi vấn đề cốt lõi là lợi ích mà thôi!

TUYẾT MINH

;
.
.
.
.
.