Mặc dù các thương vụ mua bán dầu lửa của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) diễn ra giữa thanh thiên bạch nhật dọc khắp biên giới Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng theo tờ US News, dường như chính phủ nước này vẫn chưa có động thái nào đáng kể.
Sự kiện 49 người Thổ Nhĩ Kỳ bị IS bắt làm con tin hồi tháng 6 vừa qua khi lực lượng này chiếm đóng vùng Mosul (Iraq) và bị giữ suốt 101 ngày được giải thoát hôm 20-9 khiến cả đất nước này thở phào. Các con tin là những nhà ngoại giao, nhân viên lãnh sự quán cùng người nhà của họ, trong đó có 2 em bé sơ sinh.
Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ xem việc người dân nước này bị IS bắt cóc là lý do để không tham gia liên minh quốc tế với Mỹ. Nhưng nay, các con tin đều đã trở về an toàn, Mỹ cũng như các nước đồng minh đang đặt câu hỏi, liệu Ankara có thay đổi tư duy để chủ động đối phó hơn trước nguy cơ phiến loạn ở vùng biên giới phía Nam nước này?
Thổ Nhĩ Kỳ đang đứng ở đâu trong cuộc chiến chống IS? Câu hỏi đó dấy lên trong rất nhiều cuộc nghị sự thời gian qua không chỉ ở quốc gia này mà còn ở các nước phương Tây.
Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ bị chỉ trích về 3 điểm. Thứ nhất, nước này đã không đóng cửa biên giới nên đã để các chiến binh nước ngoài tràn qua Syria, gia nhập IS. Thứ hai, Thổ Nhĩ Kỳ không có động thái đủ mạnh để kiềm chế các nhóm phiến quân trong nước trỗi dậy, tham gia IS. Và thứ ba, phiến quân IS vẫn tự do kiếm tiền bằng việc bán dầu lửa thông qua Thổ Nhĩ Kỳ.
Tuy nhiên, phía Thổ Nhĩ Kỳ vẫn có những lập luận không phải không thuyết phục.
Theo các quan chức Ankara, không thể đổ lỗi việc không đóng cửa biên giới, để phiến quân chạy sang gia nhập IS vì thực sự biên giới nước này quá dài, địa thế hiểm trở. Hơn nữa, phía Ankara cũng “kể công” với chính sách “mở cửa biên giới” này, vì nhờ đó, 1,5 triệu dân tị nạn Syria mới có chỗ nương náu để tránh các cuộc xung đột giữa lực lượng chính phủ Damascus với phiến quân nổi dậy.
Về chuyện người Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập cho IS, Ankara cho biết, đúng là họ cần thận trọng hơn. Song, nếu xét về số lượng lính đầu quân cho IS căn cứ theo quốc tịch, chắc chắn Pháp, Anh và Nga còn vượt quá cả Thổ Nhĩ Kỳ.
Còn về chuyện buôn bán dầu lửa của IS trên đất Thổ, chính phủ nước này đòi phải được đánh giá công bằng hơn. Theo họ, các thương vụ đó không được thực hiện chính thức mà chủ yếu là buôn lậu.
Trả lời câu hỏi của phóng viên tại New York về phản ứng trước đợt không kích đầu tiên của Mỹ vào Syria, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan khẳng định ông hoan nghênh cuộc không kích, và Ankara sẽ hỗ trợ về quân sự cũng như hậu cần cho chiến dịch. Tuy nhiên, theo AP, đến tuần này, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn rụt rè trong việc thể hiện quan điểm rõ ràng rằng có tham gia liên minh quốc tế hay không.
TRẦN ĐẮC LUÂN