.

Không đối đầu, nhưng không thỏa hiệp

.

Những diễn biến gần đây trong quan hệ Nga - Mỹ chưa có tín hiệu tích cực mà ngày càng trở nên phức tạp hơn. Hai bên tiếp tục có những động thái mới làm khoảng cách bất đồng tăng lên, cụ thể là tại cuộc họp của Câu lạc bộ thảo luận quốc tế “Valdai” ở Sochi (Nga) ngày 24-10, Tổng thống Nga Vladimir Putin cáo buộc Mỹ phá hoại trật tự thế giới sau khi kết thúc Chiến tranh Lạnh; đồng thời cảnh báo nếu không có những nỗ lực thiết lập một hệ thống quản trị toàn cầu mới thì thế giới có thể sẽ rơi vào tình trạng bất ổn và hỗn loạn.

Tổng thống Putin gợi ý rằng, Mỹ và Nga cần nhanh chóng vạch đường kẻ ngang bởi những sự kiện xảy ra gần đây và cùng với những cường quốc kinh tế thế giới khác ngồi vào bàn đàm phán để thiết kế lại hệ thống quản trị toàn cầu trên cơ sở của nguyên tắc “đa cực”. Ông Putin lưu ý, đây có thể là quá trình lâu dài và mệt mỏi, nhưng thay vào đó sẽ là nguy cơ xảy ra những xung đột nghiêm trọng với sự tham gia của các cường quốc thế giới.

Tổng thống Nga tuyên bố những biện pháp trừng phạt mà Mỹ và các đồng minh đang thực hiện nhằm vào Mátxcơva đang phá hoại các quy tắc thương mại quốc tế. Song, Nga là quốc gia mạnh mẽ sẽ chịu đựng được những biện pháp này và không “cầu xin” dỡ bỏ.

Nhà lãnh đạo Nga cũng bày tỏ quan điểm rằng, LHQ hoàn toàn có thể “thích nghi với thực tế mới”, trong khi các tổ chức quốc tế khu vực, chẳng hạn Liên minh Á - Âu mà Nga thành lập, có thể hỗ trợ tăng cường an ninh toàn cầu.

Đáp lại phát biểu của Tổng thống Nga, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Jen Psak khẳng định: Mỹ không tìm kiếm sự đối đầu với Nga, nhưng không thể và sẽ không thỏa hiệp về những nguyên tắc mà an ninh ở châu Âu cũng như Bắc Mỹ lấy làm nền tảng.

Bà Psak một lần nữa lưu ý rằng, Mỹ và Nga đã làm việc với nhau về nhiều vấn đề khác nhau, chẳng hạn việc cắt giảm kho vũ khí hạt nhân, hủy diệt vũ khí hóa học Syria. “Chúng tôi hướng đến việc tiếp tục hợp tác với Nga trong những lĩnh vực quan tâm chung. Chúng tôi hy vọng rằng điều đó sẽ như thế mặc dù hai nước có bất đồng về một số vấn đề và chúng tôi sẽ tiếp tục đứng trên những nguyên tắc của mình”, bà Psak kết luận.

Trong lúc đó, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov vừa lên tiếng bác bỏ thông tin cho rằng, ông dường như đã thỏa thuận với người đồng cấp Mỹ John Kerry về việc gửi các chuyên gia quân sự của Mátxcơva đến Iraq cũng như về sự sẵn sàng của Mátxcơva cung cấp cho Washington các thông tin tình báo về Nhà nước Hồi giáo (IS).

Điều đó cho thấy, quan hệ Nga - Mỹ tuy không đối đầu nhưng vẫn quyết không thỏa hiệp đối với nhiều vấn đề khác nhau.

TUYẾT MINH

;
.
.
.
.
.