Sự hình thành và phát triển của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) trong thời gian qua ở khu vực Trung Đông được Mỹ và nhiều quốc gia trên thế giới đánh giá là cực kỳ nguy hiểm, thậm chí còn nguy hiểm hơn cả Al-Qaeda. Việc IS phát động chiến dịch quân sự, tấn công và chiếm giữ nhiều vùng rộng lớn ở Syria và Iraq đặt Mỹ cũng như các quốc gia liên quan vào tình thế đối đầu.
Thực tế Mỹ và phương Tây đã chính thức phát động cuộc chiến chống IS trên 3 mặt trận: chính trị, quân sự và kinh tế.
Về chính trị, IS được coi là tổ chức khủng bố đặc biệt nguy hiểm. Cả cộng đồng quốc tế đều lên án IS và đặt lực lượng này ra ngoài vòng pháp luật.
Về quân sự, Mỹ và các nước phương Tây đã chính thức tuyên chiến bằng việc hỗ trợ quân sự cho Iraq, phe đối lập Syria, lực lượng người Kurd; đồng thời tiến hành nhiều cuộc không kích nhằm vào IS để ngăn chặn đà tiến quân trên nhiều chiến trường Iraq và Syria.
Về kinh tế, IS có nguồn thu rất lớn. Theo phân tích của cơ quan tình báo Mỹ, IS thu hàng chục triệu USD mỗi tháng do buôn bán dầu hỏa và các nhu yếu phẩm khác. Vì vậy, Mỹ và phương Tây đã tiến hành nhiều biện pháp để ngăn chặn sự gia tăng nguồn lực của IS như: phong tỏa các tài khoản có liên quan đến IS; chặn sự ủng hộ của các cá nhân ủng hộ các nguồn quỹ của IS; đánh vào các cơ sở lọc dầu do IS kiểm soát; ngăn chặn các tuyến đường buôn lậu dầu hỏa, ma túy….
Tuy nhiên, diễn biến những ngày gần đây cho thấy, IS tiếp tục phát triển lực lượng, chưa bị ngăn chặn hiệu quả trên cả ba mặt trận nói trên. IS vẫn kháng cự quyết liệt ở thị trấn Kobane gần biên giới giữa Syria và Thổ Nhĩ Kỳ, lực lượng của chúng đang tiến sát thủ đô Baghdad của Iraq.
Một điểm đáng chú ý là IS thông qua nhiều kênh khác nhau, trong đó có truyền thông, để tuyển mộ lực lượng nhằm đẩy mạnh cuộc chiến của chúng ở khu vực Trung Đông và nhiều nơi khác trong thời gian đến.
IS thường đăng tải những đoạn video tuyên truyền lên Internet và phát hành tạp chí riêng. Một số đoạn video đã mô tả những hành động tàn bạo, trong đó có những đoạn quay lại cảnh hành quyết hai nhà báo Mỹ và hai nhân viên cứu trợ người Anh.
Thời gian qua, nhiều nước phương Tây đã duy trì báo động khủng bố ở mức cao khi liên tục phát hiện những phần tử có liên hệ với mạng lưới IS ở Iraq hay Syria tìm cách xuất ngoại nhằm tham gia các cuộc chiến ở nước ngoài và không loại trừ nguy cơ tiến hành các hoạt động khủng bố trong nước.
Chính phủ Mỹ hiện phối hợp với các cường quốc trong khu vực và thế giới để chống IS. Liên minh quốc tế đã thống nhất tăng cường các chương trình trao đổi, huấn luyện và hợp tác chống chủ nghĩa cực đoan. Đặc biệt, các nước nỗ lực ngăn chặn IS tuyển mộ các tay súng nước ngoài; khuyến khích các nhà lãnh đạo tôn giáo, giới trẻ cùng góp tiếng nói chống chủ nghĩa cực đoan thông qua các phương tiện truyền thông và các trang mạng xã hội.
Đây là liên minh thông tin giữa Mỹ với các nước Hồi giáo và phương Tây. Có thế nói, liên minh thông tin là mặt trận thứ tư mà Mỹ và các nước đồng minh chính thức phát động nhằm tấn công IS toàn diện để từng bước đấu tranh ngăn chăn, đẩy lùi, tiến tới tiêu diệt IS.
Tuy nhiên, giới quan sát nhận định: Mỹ và các đồng minh gặp không ít khó khăn ở cả bốn mặt trận này, do IS có nhiều thủ đoạn tinh vi về chiến lược, chiến thuật và cả sự tàn bạo khủng khiếp khi hành động quân sự, chiêu mộ lực lượng và khai thác nguồn thu tài chính…
TUYẾT MINH