.

An ninh và tự do

Trong những năm gần đây, trước những diễn biến phức tạp của tình hình do vấn đề xung đột biên giới, xung đột sắc tộc, tôn giáo, đặc biệt là các tổ chức khủng bố phát triển mạnh mẽ thì vấn đề an ninh đất nước, an ninh và hòa bình cho cộng đồng quốc tế đặt ra nhiều thách thức nghiêm trọng.

Những khái niệm truyền thống về chiến tranh, xung đột vũ trang, an ninh quốc gia, tự do dân chủ… đã có những thay đổi đáng kể. Bởi thực tế nảy sinh nhiều yếu tố mới làm công tác đấu tranh, phòng ngừa phải chuyển đổi mạnh mẽ để đối phó với thách thức mới.

Ngay sau vụ tấn công khủng bố vào nước Mỹ ngày 11-9-2001 do tổ chức Al-Qaeda thực hiện, các cơ quan tình báo nước này đã tiến hành thu thập hàng trăm triệu cuộc nói chuyện điện thoại, tin nhắn, thư điện tử… của công dân nước mình và người nước ngoài trên đất Mỹ để theo dõi, giám sát và phát hiện các mối quan hệ, nghi ngờ liên quan đến khủng bố.

Khi vụ việc bị báo chí Mỹ phát hiện, đã xảy ra cuộc tranh cãi khá gay gắt trên các phương tiện truyền thông lẫn tại diễn đàn Quốc hội nước này. Một số công dân Mỹ thậm chí đưa vụ việc ra kiện tại tòa án.
Tuy nhiên, Washington phải tìm mọi cách để kiểm soát các công dân trong và nước ngoài đang sinh sống, làm việc trên đất Mỹ bị nghi ngờ có liên hệ với các tổ chức khủng bố. Hay nói cách khác, các cơ quan tình báo Mỹ bất chấp sự phản đối, đưa ra các giải pháp như thông qua tòa án, thậm chí bí mật, để thu thập thông tin của công dân nước mình thông qua hệ thống giám sát các cuộc điện thoại, thư điện tử…

Mới đây nhất, vấn đề nói trên xảy ra với Canada. Hai vụ tấn công khủng bố liên tiếp vào ngày 20-10 và 22-10 vừa qua, đặc biệt là vụ tấn công vào trụ sở Quốc hội gây chấn động nước này. Hai thủ phạm có tuổi đời chỉ 25 và 32, đều thuộc thành phần Hồi giáo cực đoan ủng hộ tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS), đặt chính phủ nước này trước những lựa chọn vô cùng khó khăn: an ninh và tự do.

Lâu nay, Canada được ví là quốc gia an toàn, sự tự do của công dân cũng được cho là tốt nhất. Thế nhưng, làn sóng khủng bố đã lan đến Canada, buộc chính phủ phải xem xét lại các biện pháp phòng ngừa, tìm mọi cách tăng cường an ninh. Nếu chính phủ của Thủ tướng Stephen Harper không ra tay hành động mạnh mẽ sẽ là hiểm họa cho Canada.

Nhưng sự lựa chọn nào cũng có cái giá của nó. Đây là vấn đề khá hóc búa mà ông Harper phải lựa chọn.

Thủ tướng Harper tuyên bố trên truyền hình rằng, Canada “không miễn nhiễm” với nguy cơ khủng bố. Giải pháp hàng đầu mà ông đưa ra là yêu cầu Quốc hội sửa đổi luật theo hướng tăng cường quyền của cơ quan an ninh trong việc bắt giữ và theo dõi bí mật người dân.

Thế nhưng, sự việc không đơn giản như Thủ tướng Harper đề nghị Quốc hội, bởi phe đối lập ngay lập tức bày tỏ lo ngại rằng, việc thông qua gấp gáp những biện pháp an ninh theo hướng như vậy sẽ đe dọa đến dân chủ. Một số nghị sĩ cho rằng, việc theo dõi, giám sát, bắt bớ làm dân chủ, nhân quyền bị vi phạm (?!).

Chính những thực tế xảy ra trong những năm gần đây ở hầu hết các quốc gia phát triển, đang phát triển… đặt ra một vấn đề quan tâm, vừa là câu hỏi, vừa là câu trả lời rằng, không thể có thứ tự do dân chủ chung chung mà phải dựa trên thực tế của một dân tộc, một quốc gia, trong bối cảnh, hoàn cảnh cụ thể để đưa ra những biện pháp thiết thực nhằm đấu tranh ngăn chặn bảo vệ an ninh đất nước, bảo vệ tự do, dân chủ chính đáng cho số đông công chúng. Không thể áp đặt tự do dân chủ của quốc gia này lên quốc gia khác và coi nó như một điều kiện để hình thành các mối quan hệ về chính trị, kinh tế, xã hội…

TUYẾT MINH

;
.
.
.
.
.