Dù Trung Quốc ngoài mặt cố tỏ vẻ hòa nhã và hòa hoãn sau khi thấy thái độ không đồng tình của quốc tế trước các hành động của họ, nhưng toan tính chiến lược nhằm chiếm Biển Đông theo bản đồ đường 9 đoạn của Bắc Kinh vẫn không thay đổi. Hơn thế, Trung Quốc đang dùng mọi biện pháp và tiềm lực kinh tế để thay đổi hiện trạng đảo Hoàng Sa và một số đảo ở Trường Sa của Việt Nam mà họ chiếm đóng trái phép như: xây dựng sân bay, mở tuyến du lịch, hút cát mở rộng đảo…
Do vậy, các nước liên quan và cộng đồng quốc tế vẫn hết sức quan ngại về hành động trong tương lai của Bắc Kinh sẽ khuấy động sự mất ổn định, làm cản trở tuyến giao thông hàng hải thế giới đi qua khu vực này. Đòi hỏi của các nước là Trung Quốc phải đưa ra những cam kết cụ thể thông qua Bộ quy tắc ứng xử của các bên trên Biển Đông (COC), Tuyên bố về ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC) là đảm bảo an ninh, không có hành động gây hấn, hoặc làm thay đổi nguyên trạng các đảo…
Nhật báo Le Monde của Pháp phân tích về quan hệ chiến lược giữa hai nước Trung Quốc và Mỹ trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương qua bài viết: “Mỹ - Trung gườm nhau tại châu Á” nhấn mạnh: Để thực thi chiêu bài “cùng thịnh vượng”, Bắc Kinh chủ trương một “chiến lược ngoại giao đường tơ lụa”. Và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng đã thông báo thành lập quỹ đầu tư cơ sở hạ tầng trị giá 40 tỷ USD để kết nối các nước nằm dọc tuyến đường tơ lụa cũ.
Ngoài ra, Trung Quốc ra sức thúc đẩy một hiệp ước tự do thương mại theo kiểu Trung Quốc, một động thái được cho là nhằm đáp trả nỗ lực thúc đẩy Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà Mỹ đang tiến hành đàm phán với 11 nước trong khu vực nhưng không có sự tham gia của Trung Quốc. Le Monde nhận định, chiêu bài kinh tế đó của Trung Quốc đang tạo ra “một bộ mặt dễ mến” cho sự bành trướng của nước này và che đậy những mưu đồ chiến lược khác: tức là những đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc trên biển Hoa Đông và Biển Đông.
Vì vậy, không có gì lạ khi tiếp theo Hội nghị APEC là Hội nghị thượng đỉnh ASEAN tại Naypyitaw (Myanmar) ngày 12-11 cũng đề cập vấn đề Biển Đông và xem đây là chủ đề chính. Myanmar, Chủ tịch đương nhiệm ASEAN, là nước đầu tiên quan tâm đến chủ đề nóng bỏng này.
Song, Biển Đông không chỉ là chuyện giữa Trung Quốc với khối Đông Nam Á, mà còn liên quan đến Mỹ, trong bối cảnh Washington tăng cường trở lại sự hiện diện ở châu Á, thể hiện qua chính sách “xoay trục” sang khu vực này. Tuy Mỹ tuyên bố không đứng về bên nào trong các tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông, nhưng diễn biến thực tế cho thấy, cường quốc hàng đầu thế giới sẽ không để Trung Quốc áp đặt “luật chơi” ở khu vực này.
Thủ tướng Ấn Độ được cho là cũng sẽ nêu vấn đề Biển Đông tại Myanmar. Nhật báo Ấn Độ The Hindu số ra ngày 12-11 khẳng định: “Mối quan ngại của Ấn Độ trước việc Trung Quốc bành trướng và tìm cách thống trị Biển Đông” sẽ được Thủ tướng Narenda Modi đề cập tại Hội nghị thượng đỉnh Đông Á cũng như trong một số cuộc gặp song phương với lãnh đạo các nước.
Điều đó cho thấy, vấn đề Biển Đông vẫn tiếp tục nóng tại các diễn đàn quốc tế. Các nước ASEAN đang nỗ lực thúc đẩy đàm phán về COC có tính chất ràng buộc, thay thế cho DOC. Nhưng Trung Quốc vốn chủ trương giải quyết vấn đề Biển Đông trên cơ sở song phương, nên họ vẫn cứ tìm cách trì hoãn tiến trình thương thuyết với các nước Đông Nam Á.
TUYẾT MINH