.

Đối thoại vẫn là kênh chủ đạo

Vấn đề tranh chấp lãnh thổ và cuộc khủng hoảng ở Ukraine đã đẩy mối quan hệ giữa các quốc gia liên quan rơi vào tình trạng khá tồi tệ kể từ sau Chiến tranh Lạnh kết thúc vào những năm 90 của thế kỷ trước. Các mối quan hệ đó “đóng băng” trên nhiều lĩnh vực, như Nga đang chịu sự trừng phạt kinh tế của Mỹ và các nước đồng minh; hay Nhật - Trung trở nên “băng giá” suốt từ năm 2012 đến nay.

Tuy nhiên, những diễn biến gần đây cho thấy, các bên liên quan không thể làm ngơ để “đóng cửa” hoàn toàn các mối quan hệ, mà tìm mọi cách nhằm mở kênh đối thoại, từng bước giải quyết bất đồng, hướng tới sự ổn định cho các bên liên quan cũng như hòa bình - an ninh cho khu vực và thế giới.
Trước hết, nói về mối quan hệ Nga - Mỹ. Mỹ tiếp tục đe dọa gia tăng các biện pháp trừng phạt kinh tế nhằm vào Nga nếu tình hình ở Ukraine không ổn định. Tổng thống hai nước đã có những phát biểu khá mạnh mẽ làm gia tăng căng thẳng trong quan hệ. Song, họ không thể làm ngơ trước những vấn đề quốc tế, kể cả cơ hội để mở kênh đối thoại, giải quyết bất đồng.

Bên lề Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) tại Bắc Kinh (Trung Quốc), hai Ngoại trưởng Nga - Mỹ đã có cuộc gặp song phương, thống nhất thúc đẩy các bên ở Ukraine phải giải quyết mâu thuẫn bằng con đường chính trị. Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng có thể gặp gỡ tại Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Brisbane (Úc) ngày 15 và 16-11 sắp tới để thảo luận các vấn đề quan tâm.

Một mối quan hệ khác là giữa Nga với Nhật Bản. Theo kế hoạch, vào đầu mùa thu vừa qua, ông Putin thăm Nhật Bản, bàn việc ký kết hiệp định hòa bình, vốn bị đình trệ từ khi Thế chiến thứ hai kết thúc đến nay. Nhưng Nhật Bản bất ngờ tuyên bố hoãn chuyến thăm của ông Putin do Tokyo và Washington cấm vận kinh tế nhằm vào Mátxcơva sau sự kiện Ukraine.

Vậy nhưng, tối 9-11 vừa qua, Tổng thống Putin và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã có cuộc gặp bên lề Hội nghị APEC. Đây là cuộc gặp song phương lần thứ 7 kể từ khi ông Abe nắm quyền vào tháng 12-2012.

Một mối quan hệ khác là Nhật - Trung. Hai bên khá căng thẳng xung quanh cuộc tranh chấp quần đảo Senkaku/Điếu ngư. Cũng bên lề Hội nghị APEC, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị và Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida đã gặp nhau vào ngày 8-11 nhằm tạo lập “cơ chế giải quyết khủng hoảng” để khắc phục mâu thuẫn xung quanh các đảo tranh chấp trên biển Hoa Đông. Theo AFP, đây là cuộc gặp gỡ đầu tiên kể từ tháng 9-2012 giữa ngoại trưởng hai nước đối thủ tại châu Á.

Trước đó một ngày, Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Dương Khiết Trì có cuộc hội đàm với ông Sotaro Yati - cố vấn an ninh quốc gia của Thủ tướng Nhật Bản. Các bên đưa ra tuyên bố thể hiện lập trường của mình về tình trạng bảo lưu căng thẳng giữa hai nước. Những điểm then chốt trong quan hệ căng thẳng giữa Trung Quốc và Nhật Bản vẫn là cuộc xâm lược của quân Nhật chống Trung Quốc hồi thế kỷ 20 và những tranh chấp chủ quyền đối với Senkaku/Điếu Ngư.

Tuyên bố của Trung Quốc nêu rõ: Hai bên “đã thừa nhận có những khác biệt về lập trường liên quan đến tình huống căng thẳng”. Còn tuyên bố của phía Nhật Bản cho hay, các bên “xác nhận có quan điểm khác nhau về những tình huống căng thẳng đã nảy sinh”. Cả hai bên đều tuyên bố đang tạo lập “cơ chế giải quyết khủng hoảng” để giữ tình hình trong tầm kiểm soát.

Theo các nhà quan sát, đây là một bước tiến trong nỗ lực cải thiện trở lại bang giao Trung - Nhật, mở đường cho cuộc gặp gỡ giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Shinzo Abe tại Bắc Kinh vào ngày 10-11.

Như vậy để thấy, trong thế giới đương đại, dù giữa các nước có những bất đồng trên những lĩnh vực khác nhau nhưng không thể chọn con đường đối đầu, bất hợp tác mà phải thông qua các kênh đối thoại trên tinh thần bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau để thiết lập các mối quan hệ song phương hòa bình, hữu nghị, góp phần vào hòa bình an ninh khu vực và quốc tế.

TUYẾT MINH

;
.
.
.
.
.