Quan sát & Bình luận

Lợi ích nào cao nhất?

08:12, 18/11/2014 (GMT+7)

Cuộc khủng hoảng ở Ukraine đẩy mối quan hệ giữa Nga với châu Âu và Mỹ vào tình thế căng thẳng ngày càng gia tăng. Đặc biệt, tại Hội nghị Thượng đỉnh các nước phát triển và các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (G20) ở Brisbane (Úc) cuối tuần qua gia tăng áp lực rất lớn đối với Nga khi thông cáo chung sau cuộc họp 3 bên giữa Mỹ, Nhật và Úc khẳng định “kiên quyết chống mọi hành động gây bất ổn tại Ukraine”.

Thậm chí, sau Hội nghị G20, Thủ tướng Đức Angela Merkel tuyên bố sẽ gia tăng trừng phạt kinh tế nhằm vào Nga và không sử dụng các biện pháp ngoại giao lúc này nếu Mátxcơva không thúc đẩy các nỗ lực hòa bình cho Ukraine (?!).

Trong khi đó, Pháp - một thành viên chủ chốt của châu Âu và là đồng minh thân cận của Mỹ - cũng đã có những bước đi tham gia vào quá trình trừng phạt kinh tế nhằm vào Nga. Tuy nhiên, Paris lại kẹt vào một thương vụ làm ăn lớn với Nga: hợp đồng đóng 2 tàu sân bay chở trực thăng lớp Mistral giá thành 1,2 tỷ euro (1,5 tỷ USD) đã được ký kết vào tháng 6-2011.

Căng thẳng ở Ukraine và mối quan hệ ngày càng xấu đi giữa Nga với phương Tây khiến Paris chịu áp lực từ các đồng minh, nhất là Mỹ, trong việc không giao bộ đôi tàu chiến cho Mátxcơva. Tháng 9-2014, Tổng thống Pháp Francois Hollande tuyên bố chỉ giao chiếc tàu đầu tiên cho Nga “nếu thỏa thuận ngừng bắn ở Ukraine được tôn trọng”.

Trước động thái đó, Nga nhiều lần lên tiếng cảnh báo rằng, nếu Paris không thực hiện việc chuyển giao thì sẽ bị khiếu kiện vì vi phạm hợp đồng.

Trong trường hợp không giao tàu Mistral thì Paris không chỉ phải trả lại khoản tiền lớn của hợp đồng mà Nga đã thanh toán trước, mà còn phải trả khoản tiền phạt khổng lồ có thể lên tới hơn 10 tỷ euro (13 tỷ USD) vì không tuân thủ hợp đồng. Đây được xem là thảm họa đối với cả nền kinh tế Pháp lẫn uy tín của ngành công nghiệp vũ khí nước này. Ngoài ra, hành động đó còn gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hàng nghìn lao động đang trực tiếp tham gia dự án đóng tàu lớp Mistral trong bối cảnh tỷ lệ thất nghiệp và tăng trưởng của nền kinh tế Pháp không mấy sáng sủa.

Bên lề Hội nghị G20, Tổng thống Putin và Tổng thống Hollande đã có cuộc gặp song phương, cho rằng “do tình hình Đông Nam Ukraine và do tiếp tục áp dụng lệnh trừng phạt chống Nga nên thực tế tất cả các bên đều thiệt hại”; đồng thời nhấn mạnh có ý định “làm bất cứ điều gì cần thiết để tình hình khủng hoảng ở Đông Nam Ukraine không “hắt bóng tối” lên quan hệ giữa Paris và Mátxcơva.

Dù không đề cập chuyện Mistral với ông Putin nhưng tại cuộc họp báo ở G20, Tổng thống Hollande tuyên bố: “Tôi sẽ đưa ra quyết định của mình mà không có bất kỳ áp lực nào, dựa trên 2 tiêu chí: lợi ích của nước Pháp và đánh giá của tôi về tình hình”.

Theo các nhà quan sát, những phát biểu kiểu nước đôi như trên cho thấy ông Hollande đang rơi vào tình thế “tiến thoái lưỡng nan” trong việc giải quyết hợp đồng tàu chiến với Nga. Một mặt, ông Hollande đưa ra những phát biểu mạnh mẽ để thể hiện với các đồng minh phương Tây rằng, ông vẫn đang tham gia gây sức ép với Nga. Mặt khác, nhà lãnh đạo Pháp cũng có những phát biểu dịu nhẹ ám chỉ rằng, Paris sẽ không hủy bỏ hợp đồng với Nga, tránh làm Mátxcơva cũng như những người dân Pháp có liên quan nổi giận.

Theo tờ Le Figaro (Pháp), nếu Paris hoãn bàn giao tàu chiến Mistral cho Nga sẽ làm 2.500 công nhân đối mặt với nguy cơ mất việc.

Quả thật Pháp đang lúng túng trong thương vụ tàu chiến. Dư luận đang chờ xem Tổng thống Pháp Hollande quyết định ra sao giữa lợi ích kinh tế quốc gia với mối quan hệ đồng minh. Đó cũng là phép thử về sự đoàn kết của Liên minh châu Âu (EU) cũng như mối quan hệ giữa hai bờ Đại Tây Dương xung quanh vấn đề Ukraine.

TUYẾT MINH

.