Quan sát & Bình luận
Phương Tây trừng phạt Nga, Trung Quốc hưởng đại lợi
ĐNĐT - Một bài báo trên Bloomberg được hãng tin Japan Times dẫn lại đã cho rằng, Mỹ và phương Tây đang buộc Tổng thống Nga, Vladimir Putin “bắt thêm thang” cho sự trỗi dậy của Trung Quốc, một đối thủ lớn nhất của Nga ở phương Đông.
Tổng thống Nga Vladimir Putin bắt tay Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường trong cuộc gặp ở Moscow ngày 14-10. Ảnh: Reuters |
Nước Nga đơn độc
Theo tác giả bài báo, hiện tại, do bị cô lập bởi vấn đề Ukraine, Nga buộc phải dựa vào Trung Quốc để có được nguồn đầu tư mà Nga cần nhằm tránh bị suy thoái. Và muốn làm được điều này, Nga càng bị buộc phải trao cho Trung Quốc đặc quyền tiếp cận hai điều mà Trung Quốc đang muốn nhất, đó là nguyên liệu thô và vũ khí tối tân.
Sự phụ thuộc ngày càng lớn của Nga vào Trung Quốc hóa ra lại làm cho vị thế Trung Quốc ngày càng lớn tại khu vực Thái Bình Dương trong khi đối phó với sự tụt dốc của nền kinh tế.
Khi đồng Ruble của Nga đã gần đạt kỷ lục về sự sụt giá và đầu tư nước ngoài đang biến mất, thì việc thu hút tiền mặt từ Trung Quốc có thể đào sâu hơn sự dựa dẫm của Nga vào các nguồn tài nguyên thiên nhiên và làm chệch hướng các nỗ lực của chính phủ nhằm xoay chuyển nền kinh tế.
Masah Lipman, một nhà phân tích chính trị độc lập tại Moscow, đồng tác giả của một công trình nghiên cứu về ông Putin với cựu đại sứ Mỹ, Michael McFaul, cho biết: “Giờ thì ông Putin đã quay lưng với phương Tây và hướng về phía Đông, Trung Quốc đang hưởng đại lợi từ sự cần thiết của Nga”.
Theo Lipman, vào năm 1991, nền kinh tế tồi tệ hơn nhiều, tuy nhiên Nga lại ở một vị trí địa chính trị tốt hơn nhiều bởi Nga có sự hậu thuẫn của Mỹ và châu Âu. Giờ đây, ông Putin không có sự chọn lựa nào khác ngoài sự đối đầu, và ông ấy chẳng hề có đồng minh. Trung Quốc lại chẳng hề ủy mị nhưng thực dụng.
Trung Quốc lấp đầy khoảng trống
Chộp lấy thời cơ, Trung Quốc đang lấp đầy khoảng trống bởi việc đóng cửa thị trường nợ mà Mỹ và châu Âu tạo ra nhờ những đối tác vay lớn nhất của Nga.
Hôm 14-10, Thủ tướng Trung Quốc, Lý Khắc Cường đã ký một gói thỏa thuận bao gồm năng lượng và tài chính. Trong số các thỏa thuận, hai nước đã đồng ý một sự hoán đổi trị giá 150 tỉ Nhân dân tệ (NDT) (24,5 tỉ USD), một thỏa thuận tránh đánh thuế hai lần, hợp tác trong vệ tinh-dẫn đường và dự án đường sắt cao tốc. Cùng với đó là một thỏa thuận về khí đốt hồi tháng 5.
Ngân hàng Xuất-Nhập khẩu Trung Quốc đã ký một thỏa thuận khung với các Tập đoàn Ngân hàng VTB, Vnesheconomybank, Ngân hàng phát triển của Nga và một thỏa thuận tài trợ thương mại với Ngân hàng Nông nghiệp Nga. Các ngân hàng nhà nước của Nga hiện đang bị Mỹ và phương Tây cấm vận.
Hiện Nga sắp sửa ký các hợp đồng cho việc chuyển giao các hệ thống tên lửa S-400 và các chiến đấu cơ Su-35 cho Trung Quốc, sớm nhất là quý I-2015, Vasily Kashin, một chuyên gia về Trung Quốc tại Trung tâm phân tích Chiến lược và Công nghệ Moscow cho biết. Có thể Nga cũng cung cấp cho Trung Quốc các tàu ngầm mới nhất, tàu Amur 1650 cùng với các sản phẩm đi kèm như vệ tinh sử dụng năng lượng nguyên tử, ông Kashin cho biết.
Việc này có thể khởi phát một cuộc chạy đua vũ trang thông thường tại Đông Á, Omar Lamrani, một nhà phân tích quân sự tại Stratfor, một công ty phân tích nguy cơ địa chính trị Mỹ cho biết.
“Nhật Bản, Đài Loan, Philippines và Việt Nam hiện đã lo lắng về việc Trung Quốc phát triển quân đội của họ, và các quan ngại này sẽ chỉ gia tăng nếu Trung Quốc có được trang bị tối tân của Nga”, ông Lamrani nói.
Tên lửa S-400, hiện chỉ có mình Nga hiện sử dụng, sẽ mở rộng tầm với của Trung Quốc tới toàn bộ không phận Đài Loan. Chiến đấu cơ Su-35 sẽ cho phép Trung Quốc sử dụng công nghệ của mình để mở rộng không lực của họ.
Bắt tay giảm phụ thuộc đồng đô-la
Đối với ông Putin, quan hệ Trung Quốc đang trở nên ngày càng riêng tư. Ông Putin đã gặp gỡ người đồng cấp Tập Cận Bình 9 lần kể từ khi ông Tập nhậm chức vào năm ngoái.
Hai nhà lãnh đạo cũng làm việc về các nỗ lực nhằm giảm sự thống trị của đồng đô-la trong hệ thống tài chính toàn cầu.
Các giao dịch đồng Nhân dân tệ trên thị trường chứng khoán Moscow, thị trường chứng khoán đầu tiên ngoài Trung Quốc để chào giá các thương vụ điều tiết trong tiền tệ, đã nhảy lên 50% vào tháng 9, tương đương 1,1 tỉ USD so với tháng 8.
Mặc dù vẫn còn nhỏ nhoi so với 367 tỉ USD doanh thu giữa đồng đô-la với đồng rúp vào tháng 8, các nhà nhập khẩu hiện trả 8% của toàn bộ hàng hóa Trung Quốc bằng đồng Nhân dân tệ thay vì đô-la, tăng từ 2% cách đây 4 năm.
Nếu Nga quyết định chấp nhận đồng NDT theo hợp đồng 400 tỉ USD khí đốt của hãng Gazprom, thì giá trị nói trên sẽ tăng vọt. Vấn đề này hiện đang được tranh cãi, các quan chức cấp cao cho biết.
Hiện Trung Quốc cũng đã bắt đầu rời bỏ đồng đô-la trong giao dịch với Nga. Hôm 2-9, Tổng thống Putin cho biết, Hãng Gazprom Neft, chi nhánh của tập đoàn Gazprom, đã bắt đầu bán dầu thô cho Trung Quốc vì đồng rúp.
Tuy vậy, thuyết phục Trung Quốc chuyển sang thanh toán với đồng rúp nhiều hơn là một vấn đề đang tranh cãi sau khi đồng NDT bị giảm 14% so với đô-la vào quý trước, nhiều nhất trong số các đồng tiền trên toàn cầu. Nguồn dự trữ tiền và vàng của ngân hàng trung ương Trung Quốc đã mất đi 50 tỉ USD trong năm nay, một phần là do các nỗ lực bảo vệ đồng nhân dân tệ.
Ông Alexei Maslov, người đứng đầu phân khoa Nghiên cứu Châu Á tại trường Cao học kinh tế tại Moscow, cho rằng, Trung Quốc vẫn chủ yếu quan tâm tới nguyên liệu thô mà không màng tới việc giúp Nga đa dạng hóa nền kinh tế.
Trung Quốc bành trướng
“Chúng ta sẽ phải học nhiều điều mới mẻ trong việc làm ăn với người Trung Quốc”, ông Titov, Thanh tra chính phủ về quyền doanh nghiệp nói.
Dù gì đi nữa, mô hình công ty của Trung Quốc là khá đặc sắc, rõ ràng là nó thành công hơn của Nga.
Theo một nghiên cứu của Trung tâm Cải cách Châu Âu, vào năm 1979, thời kỳ bắt đầu khôi phục nền kinh tế của ông Đặng Tiểu Bình, sản lượng kinh tế của Trung Quốc chỉ bằng 40% của Cộng hòa Xô-viết Nga - nước Nga ngày nay. Vào năm 2010, kinh tế Trung Quốc lớn gấp 4 lần nền kinh tế Nga.
Sự bất đối xứng này đã tạo cho ông Tập Cận Bình ưu thế hơn so với ông Putin. Với ít sự chọn lựa dành cho mình, ông Putin sẽ phải nhượng bộ với Trung Quốc, Ja Ian Chong, một giáo sư khoa học chính trị tại Đại học quốc gia Singapore, cho biết.
“Nga chỉ quan trọng đối với Châu Á vì hai lẽ: Cung cấp năng lượng và vũ khí. Và ngay cả khi quan hệ Nga-Trung đang mạnh lên, thì cuộc hôn nhân này vì tiền hơn là vì tình, với sự ngờ vực nằm ở cả hai phía”, Ian Storey, một học giả tại Viện nghiên cứu Đông Nam Á ở Singapore nhận xét.
Quang Hiển (Theo JapanTimes)