.

Lời nói ngược với hành động

Vấn đề Biển Đông hiện nay không chỉ là quan hệ song phương giữa các nước liên quan mà thật sự trở thành mối quan tâm của cộng đồng quốc tế. Trước phản ứng gay gắt về những hành động mang tính gây hấn và làm thay đổi nguyên trạng Biển Đông của Trung Quốc trong những năm gần đây, Bắc Kinh tỏ ra “hòa dịu” tại các diễn đàn quốc tế cũng như khu vực.

Tại Hội nghị Thượng đỉnh APEC (Bắc Kinh), Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á (Myanmar) và Hội nghị Thượng đỉnh G20 (Úc) liên tiếp diễn ra vào tháng 11 này,  lãnh đạo nhiều nước đã bày tỏ quan ngại về tình hình bất ổn ở biển Hoa Đông và Biển Đông. Ngày 15-11, Tổng thống Mỹ Barack Obama thẳng thừng cảnh báo các tranh chấp lãnh thổ có thể dẫn đến đối đầu.

Trước những diễn biến đó, các nhà lãnh đạo Trung Quốc khẳng định sẽ giải quyết những vấn đề liên quan đến biển Hoa Đông và Biển Đông bằng biện pháp hòa bình. Đặc biệt, sau khi dự Hội nghị Thượng đỉnh G20, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tiếp tục chuyến công du Úc và đã có bài phát biểu tại Quốc hội Úc. Ông Tập Cận Bình tuyên bố: Chỉ cần “nhìn vào lịch sử để thấy rằng các nước tìm cách phát triển qua việc dùng vũ lực thì luôn luôn thất bại”, rằng “đó là điều mà Trung Quốc học được từ lịch sử” và “Trung Quốc tập trung thúc đẩy hòa bình” (?!). Tuy nhiên, lãnh đạo Trung Quốc cũng nhấn mạnh: Bắc Kinh sẽ luôn cảnh giác “chống lại các yếu tố tước đoạt hòa bình của Trung Quốc”.

Về các tranh chấp lãnh thổ, ông Tập Cận Bình khẳng định: “Chính phủ Trung Quốc sẵn sàng tăng cường đối thoại, hợp tác với các nước liên quan để duy trì tự do lưu thông và an ninh của các tuyến đường hàng hải” và để bảo vệ một cách hòa bình các đường biên giới trên biển của Trung Quốc (?!).
Những tuyên bố cho thấy, Trung Quốc không thể có hành động nào khác trong bối cảnh hiện nay xung quanh vấn đề Biển Đông. Bởi nếu có hành động bạo lực, gây hấn như từng làm với Việt Nam vào giữa năm 2014, nhất định Trung Quốc sẽ đối mặt với sự chống đối mạnh mẽ của các nước liên quan và cộng đồng quốc tế.

Tuy nhiên, xét toàn cục, đó là những tuyên bố cho chính sách ngoại giao ngắn hạn; còn về lâu dài, Bắc Kinh vẫn toan tính để biến Biển Đông thành “ao nhà” như khi họ công bố về bản đồ đường chín đoạn mà thôi!

Một ví dụ thực tế cho thấy, trong năm 2014, tốc độ và mức độ mở rộng (bất hợp pháp) các đảo ở Biển Đông của Trung Quốc đều tăng mạnh, đặc biệt là ở các khu vực như quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam), Trung Quốc đã tiến hành hàng loạt hoạt động lấn biển (bất hợp pháp). Chuyên trang quốc phòng hàng đầu thế giới của IHS Jane’s vừa công bố những bức ảnh vệ tinh cho thấy Trung Quốc đang xây dựng một hòn đảo nhân tạo đủ lớn để hình thành đường băng trên biển đầu tiên của họ trên Biển Đông tại bãi đá Chữ Thập, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Trung tá J. Poole, người phát ngôn Lầu Năm Góc, cho biết hoạt động bồi đắp và cải tạo đất đai quy mô khổng lồ tại bãi đá Chữ Thập là một trong số dự án xây đảo nhân tạo mà Trung Quốc đang theo đuổi.

Ngày 24-11, tờ Hoàn Cầu có bài bình luận hãnh diện khoe về khả năng “xuất chúng” của Trung Quốc vì làm được chuyện lấp biển ở Trường Sa, đồng thời thách đố rằng “Việt Nam và Philippines nên làm quen với hoạt động xây dựng của Trung Quốc tại Biển Đông” (!?).

Nhiều nhà quân sự tin rằng, sau khi hoàn thành kế hoạch biến 5-6 bãi đá ngầm ở Trường Sa mà Trung Quốc cướp của Việt Nam năm 1988 thành những đảo nhân tạo có cả cầu cảng và phi trường, khi các tranh chấp lên đỉnh điểm có thể dẫn tới xung đột quân sự, Bắc Kinh có thể tiến đến tuyên bố vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên Biển Đông khi họ đã kiểm soát được cả hai đầu đông tây.
Xa hơn nữa, việc làm này ngoài mục tiêu quân sự, hành động biến đảo chìm thành đảo nổi của Trung Quốc ở quần đảo Trường Sa có mục tiêu rõ ràng: tạo ra những vùng biển chồng lấn, biến vùng không tranh chấp thành vùng có tranh chấp, biến không thành có.

Điều đó cũng giải thích tại sao dự án “đảo hóa” bãi đá Chữ Thập dù tốn kém như việc đóng một tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân với trọng tải 100.000 tấn và dự kiến sẽ tiêu tốn khoảng 5 tỷ USD trong vòng 10 năm nhưng Trung Quốc vẫn quyết thực hiện.

Chính những mưu toan đó nên mới đây, Trung Quốc đã thẳng thừng bác bỏ lời kêu gọi của Mỹ về việc chấm dứt các hoạt động đào đắp trên Biển Đông để giảm căng thẳng, đồng thời tuyên bố ngang ngược rằng, họ “thích xây gì thì xây” trên Biển Đông.

Tất cả những hành động của Trung Quốc càng minh chứng âm mưu biển Biển Đông thành chủ quyền của họ không hề thay đổi.

TUYẾT MINH

;
.
.
.
.
.