Quan sát & Bình luận

OPEC trước thách thức giá dầu giảm

14:03, 27/11/2014 (GMT+7)

Có một câu hỏi được đặt ra là, vì sao giá dầu mỏ thế giới lại giảm liên tục trong những tháng gần đây? Chẳng hạn, chỉ trong 4 tháng, giá dầu Brent (Biển Bắc) đã giảm 1/4 giá trị.

Số liệu cho thấy, nguồn cung dầu toàn cầu hiện tăng gần 910.000 thùng trong tháng 9, lên tới 93,8 triệu thùng/ngày, tăng gần 2,8 triệu thùng so với năm ngoái. Đáng chú ý là hoạt động khai thác dầu khí từ đá phiến bùng nổ, sản lượng của Mỹ tăng lên khoảng 300.000 thùng/ngày kể từ đầu tháng 8 vừa qua. Riêng khu vực Bắc Mỹ có thể bổ sung thêm từ 1 - 1,5 triệu thùng/ngày cho đến cuối năm 2015. Trong tháng 9-2014, sản lượng của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) chạm mốc 30,96 triệu thùng/ngày, mức cao nhất kể từ tháng 11-2012, do hoạt động phục hồi sản xuất dầu tại Libya và sản lượng của các nước vùng Vịnh tăng nhanh.

Xu hướng đó dẫn đến tình trạng mất cân đối cung - cầu khi nguồn cung dồi dào, còn nhu cầu giảm sút. Giá giảm mạnh chắc chắn cũng sẽ ảnh hưởng đến nguồn thu rất lớn của các nước xuất khẩu dầu, nhất là Nga, Iraq, Iran, Venezuela, Nigeria, Saudi Arabia, Lybia… Hãng thông tấn Itar-Tass dẫn lời Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov đánh giá thiệt hại của nền kinh tế nước ông do giá dầu giảm khoảng 100 tỷ USD. Tổng thống Nga Vladimir Putin bày tỏ lo ngại nếu giá giảm thêm có thể buộc chính phủ phải cắt giảm chi tiêu.

Trong khi đó, Bộ trưởng Kinh tế, Tài chính và Ngân hàng công Venezuela Rodolfo Marco Torres khẳng định nước này “được chuẩn bị đầy đủ” để đương đầu với những bất ổn của thị trường dầu mỏ thế giới. Saudi Arabia, quốc gia xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới, sẽ bị thâm hụt ngân sách ước tính 700 tỷ USD nếu giá dầu ở mức 85 USD/thùng. Song, Saudi Arabia có thể đối phó được với tình trạng này.

Tuy nhiên, một thực tế cho thấy, giá dầu giảm cũng đem lại hạnh phúc cho nhiều người tiêu dùng, khi chi phí cho nhiên liệu giảm đáng kể. Tình hình này cũng có lợi cho cán cân thương mại ở các quốc gia nhập khẩu dầu. Ví dụ, giá dầu thô sụt mạnh trên toàn cầu đang biến thành lợi thế cho Ấn Độ, quốc gia lệ thuộc nặng vào dầu nhập khẩu. Dầu rẻ hơn đang thúc đẩy nỗ lực của chính phủ Ấn Độ đưa nền kinh tế ra khỏi tình trạng trì trệ nghiêm trọng.

Vấn đề đặt ra là OPEC đối phó như thế nào với tình trạng giá dầu giảm?

Ngày 26-11, ông Mohammad-Ali Khatibi, đại diện OPEC tại Iran, cho biết OPEC đang lên kế hoạch tăng cường hợp tác với các nhà sản xuất không thuộc tổ chức này như Nga để điều chỉnh thị trường dầu mỏ. Trong khi đó, theo Hãng thông tấn Shana, cuộc điện đàm giữa Tổng thống Iran Hassan Rouhani và người đồng cấp Nga Vladimir Putin đã “nhất trí về sự hợp tác cần thiết nhằm hỗ trợ thị trường dầu mỏ”.

Nhưng có quan điểm rằng, các nước OPEC có thể không chọn giải pháp cắt giảm sản lượng, bởi dù cắt giảm đủ để đưa giá dầu trở lại mức trên 100 USD/thùng thì sẽ chỉ khuyến khích việc đẩy mạnh khai thác dầu đá phiến ở nhiều nước và khiến nhu cầu tiếp tục trì trệ, tức chỉ làm tình hình thêm tồi tệ. Saudi Arabia đã có bài học từ những năm 80 của thế kỷ trước, khi xuất khẩu dầu của nước này giảm từ 10 triệu thùng/ngày vào năm 1980 xuống dưới 3 triệu thùng năm 1985, và tổng sản lượng của OPEC giảm một nửa, từ 30 triệu thùng/ngày xuống 16 triệu thùng.

Song, dù cắt giảm bao nhiêu cũng không thể hỗ trợ giá dầu khi nguồn cung ngoài OPEC đang tăng mạnh và nhu cầu thấp. Điều mà Saudi Arabia nhận được khi cắt giảm sản lượng vào thời kỳ đó là giá dầu giảm xuống mức thấp nhất trong nhiều năm, khiến nước này thâm hụt ngân sách trong 16 năm liên tiếp và nợ chồng chất.

Các nhà quan sát nhận định: OPEC khó tìm được sự đồng thuận về việc cắt giảm mạnh sản lượng mà tập trung tìm hướng ổn định giá dầu ở mức 80-90 USD/thùng để kích thích kinh tế tăng trưởng, tạo điều kiện cho việc tiêu thụ dầu tăng cao.

TUYẾT MINH

.