.

Bác bỏ sự phi lý

Nguyên nhân chủ yếu làm vấn đề Biển Đông dậy sóng lâu nay do những mưu toan của Trung Quốc nhằm biến toàn bộ khu vực này thành vùng biển chủ quyền của họ. Để thực hiện hành vi đó, nhà cầm quyền Trung Quốc đã cho công bố bản đồ “đường lưỡi bò chín đoạn” một cách phi lý.

Ngay sau khi bản đồ “đường lưỡi bò 9 đoạn” được Bắc Kinh trình Liên Hợp Quốc (LHQ) năm 2009 đã vấp phải phản ứng gay gắt không chỉ của các nước liên quan mà còn của cộng đồng quốc tế. Tại nhiều diễn đàn, hội nghị, hội thảo quốc tế, các nhà nghiên cứu, chính trị gia và lãnh đạo nhiều nước đã phản bác, coi hành động của Trung Quốc là phi lý.

Đáng chú ý, mới đây, một văn kiện chính thức do Cơ quan Đại dương và các vấn đề khoa học, môi trường quốc tế, thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ thực hiện, công bố ngày 5-12 đã phân tích cặn kẽ yêu sách chủ quyền của Trung Quốc tại Biển Đông trong “bản đồ 9 đoạn”; đồng thời nêu bật các tính chất mơ hồ, phi lý, phi pháp của các đòi hỏi. Trước đó một ngày, nghị quyết mang mã số H.Res-714 lần đầu tiên được thông qua tại Hạ viện Mỹ, với sự ủng hộ tuyệt đối, cho thấy mối quan ngại ngày càng sâu sắc của các nhà lập pháp từ bên kia đại dương đối với diễn biến ngày càng phức tạp trong khu vực Đông Á, đặc biệt là vấn đề Biển Đông.

Báo cáo của Cơ quan Đại dương và các vấn đề khoa học, môi trường quốc tế, thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ ghi nhận: “Việc mô tả các đường đứt đoạn của Trung Quốc về mặt địa lý rất phức tạp do mâu thuẫn giữa bản đồ năm 2009 với những bản đồ khác cũng của Trung Quốc, chẳng hạn như bản đồ năm 1947, thậm chí với các bản đồ đương đại (xuất bản năm 2013, 2014), vì các bản đồ này cho thấy những đường gián đoạn có kích cỡ khác nhau và ở những vị trí khác nhau”.

Đường 9 đoạn, hay còn gọi là đường lưỡi bò, là đường biên giới quốc gia trên biển mà Trung Quốc ngang nhiên vạch ra nhằm tuyên bố chủ quyền với 80% Biển Đông. Bản đồ mà Trung Quốc trình LHQ có đoạn ăn sâu vào lãnh hải Việt Nam tới 45 hải lý so với trước đó…

Sau khi đưa ra hàng loạt các dữ liệu so sánh, phân tích, Cơ quan Đại dương và các vấn đề khoa học, môi trường quốc tế, thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ cho rằng, lý luận của Trung Quốc về chủ quyền lịch sử của họ trên Biển Đông không có căn cứ vững vàng.

Bản báo cáo kết luận: “Trừ khi Trung Quốc làm rõ rằng, yêu sách chủ quyền gói trong các đường gián đoạn chỉ nhắm vào các đảo nằm bên trong và các vùng hải phận được tạo ra từ những thực thể địa dư theo quy định của Luật Biển quốc tế, như được phản ánh trong Công ước LHQ về Luật Biển, nếu không thì yêu sách chủ quyền thể hiện qua các đường gián đoạn không phù hợp với pháp luật quốc tế về biển”.

Điều đó cho thấy, các chứng cứ mà Bắc Kinh đưa ra về chủ quyền ở Biển Đông không có sức thuyết phục, mà nếu Trung Quốc chấp nhận ra tham gia vụ kiện ở trọng tài quốc tế với Philippines thì Bắc Kinh có thể sẽ thất bại.

Ngay sau khi báo cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ được công bố, Trung Quốc đã phản ứng gay gắt, cho rằng Washington đã can thiệp vào công việc nội bộ của các nước trong khu vực, không thực thi đúng tinh thần mà cường quốc hàng đầu thế giới đã tuyên bố rằng không đứng về bên nào trong tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông (!?).

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi cho rằng: “Phúc trình của Mỹ phớt lờ các dữ kiện cơ bản cũng như các nguyên tắc pháp lý quốc tế, đồng thời trái với các cam kết của nước này về việc thể hiện quan điểm và không đứng về phía nào”. Người phát ngôn này còn ngang ngược khẳng định “đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc dựa trên chứng cứ lịch sử” (!?). Không những thế, ông Hồng Lỗi kêu gọi phía Mỹ tuân thủ các cam kết, hành động và phát biểu “thận trọng, khách quan cũng như đánh giá, xử lý vấn đề liên quan một cách công bằng”.

Song, những phân tích, đánh giá của Mỹ như đề cập ở trên đang được dư luận quốc tế đồng tình ủng hộ. Một lần nữa, đánh giá này bóc trần tham vọng của Bắc Kinh về đòi hỏi chủ quyền phi lý, bất chấp luật pháp và Công ước quốc tế.

TUYẾT MINH

;
.
.
.
.
.