Từ vụ tấn công khủng bố gây chấn động tại nước Pháp và toàn thế giới trong những ngày vừa qua, các nhà phân tích chính trị cho rằng, chủ nghĩa khủng bố - mà cội rễ sâu xa của nó là chủ nghĩa cực đoan - đã và đang trở thành hiểm họa vô cùng nghiêm trọng, khó lường không chỉ đối với quốc gia này mà cả nhân loại.
Thực tế cho thấy, trong khi những tổ chức khủng bố sinh sôi, nảy nở trên tư tưởng Hồi giáo cực đoan như Al-Qaeda vẫn là một mối đe dọa với cuộc sống bình yên của thế giới, thì những năm qua, nhiều tổ chức khủng bố khét tiếng tàn bạo hơn như Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tiếp tục trỗi dậy từ “mảnh đất cực đoan” này.
Bà Lina Khatib, giám đốc Chương trình Cải cách và dân chủ hóa Arab, thuộc Đại học Stanford (Mỹ), nhận định: “Phong trào khủng bố cực đoan tại Trung Đông sẽ trở nên thường xuyên hơn vào năm 2015. Các tổ chức cực đoan như IS sẽ tiếp tục phát triển về cả tầm vóc, quy mô lẫn sự giàu có, bất chấp nỗ lực của cộng đồng quốc tế”.
Bà Khatib cũng cho rằng, các nhóm cực đoan khác tại Syria và các quốc gia Trung Đông khác đang phỏng theo mô hình của IS, coi việc thực hiện các hành vi tàn ác như chặt đầu con tin làm công cụ để đạt được danh tiếng, tiền bạc và vũ khí
. Vì vậy, chủ nghĩa cực đoan tiếp tục là mối đe dọa lớn đối với sự ổn định của Trung Đông và Bắc Phi; đồng thời sẽ không dừng lại ở các khu vực xung đột như Iraq, Libya và Syria, mà còn có thể sẽ lan rộng ra Ai Cập, Algeria, Tunisia, Yemen và Lebanon - những nơi vốn tồn tại nhiều nhân tố bất ổn.
Điều đáng chú ý nữa, hiện có rất nhiều phần tử cực đoan, khủng bố trong số hàng nghìn kẻ tham gia thánh chiến tại Syria, Iraq… đang tìm cách trở lại cố quốc để phát triển lực lượng và thực hiện các vụ tấn công khủng bố. Vụ tấn công gây chấn động nước Pháp vừa qua là một minh chứng cụ thể nhất cho hiểm họa đáng sợ này.
Trong bối cảnh thời gian gần đây xảy ra hàng loạt vụ tấn công khủng bố đẫm máu ở Paris (Pháp), Ottawa (Canada) và Sydney (Úc), cũng như sự phát triển của IS, ngày 11-1, Nhà Trắng thông báo Mỹ sẽ đăng cai tổ chức Hội nghị thượng đỉnh quốc tế về chống chủ nghĩa cực đoan. Hội nghị sẽ diễn ra vào ngày 18-2 với trọng tâm thảo luận các nỗ lực của từng nước cũng như quốc tế “nhằm ngăn chặn các phần tử cực đoan, những thế lực hậu thuẫn cực đoan hóa, tuyển mộ chiến binh, dụ dỗ các cá nhân cũng như tổ chức tại Mỹ và các nước thực hiện các hành vi bạo lực”. Đây cũng là dịp để Mỹ củng cố chiến lược đối phó với mối đe dọa của chủ nghĩa cực đoan bạo lực.
Đại sứ Pháp tại Mỹ Gerard Araud cho rằng, việc tổ chức hội nghị là sáng kiến tuyệt vời, cho thấy nhu cầu cần có một chiến lược toàn cầu để đối phó với chủ nghĩa cực đoan, trong đó có các hành động đáp trả quân sự, chia sẻ thông tin, thực thi pháp luật và phối hợp với các nước Hồi giáo. Theo ông Gerard Araud, vụ tấn công ở nước Pháp là cú đánh vào nền dân chủ phương Tây và điều đó cho thấy các cuộc tấn công khủng bố có thể tiến hành bất cứ đâu, ở châu Âu hay Mỹ.
Thời gian qua, Mỹ đã có những điều chỉnh trọng tâm chiến lược chống khủng bố, chuyển từ Afghanistan và Iraq sang các giải pháp bảo đảm an ninh nội địa. Trong tuyên bố ngày 11-1, Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Eric Holder không cho rằng Mỹ đang vướng vào cuộc chiến với chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan. Theo ông, nòng cốt của mạng lưới khủng bố quốc tế Al-Qaeda đã bị tiêu diệt nhưng vẫn còn đó những nguy cơ từ các nhóm nhỏ hơn hay thậm chí các cá nhân “cực đoan” muốn tiến hành các vụ tấn công khủng bố nhằm vào các nước, trong đó có Mỹ. Vì vậy, Washington cần có ngay giải pháp “ngăn chặn người dân gia nhập hoặc bị các phần tử khủng bố lôi kéo”.
“Bóng ma” Al-Qaeda vẫn còn ám ảnh loài người. Hơn thế, từ nền tảng tư tưởng cực đoan do chúng kiến tạo đã sản sinh ra những “bóng ma” khác đang là tác nhân vô cùng nguy hiểm cho cuộc sống của con người khắp hành tinh. Đi tìm liều thuốc cực mạnh để tiêu diệt chúng là công việc phải làm nhưng thật sự khó khăn cho cộng đồng quốc tế trong tình hình hiện nay.
TUYẾT MINH