Câu chuyện về sự đột nhập của hacker vào máy tính của Sony Pictures một lần nữa thu hút sự chú ý của thế giới đến CHDCND Triều Tiên. Việc tin tặc tấn công hệ thống máy tính của Sony Pictures vào cuối năm 2014 được đánh giá là một trong những vụ tấn công tin tặc lớn nhất nhằm vào một cơ sở trên đất Mỹ.
Tin tặc không những đánh cắp dữ liệu mà còn xóa đĩa cứng, làm tê liệt hệ thống mạng của Sony Pictures trong một tuần lễ. Ngoài ra, vụ này đã dẫn đến việc công bố trên Internet dữ liệu bí mật của 47.000 nhân viên thuộc hãng phim, trong đó có nhiều nhân vật nổi tiếng.
Một số chuyên gia chống khủng bố tại Mỹ cho rằng, vụ tin tặc lần này còn tệ hại hơn cả Daesh (là tổ chức Nhà nước Hồi giáo), bởi có một sự bất đối xứng lực lượng thiên về phía Bình Nhưỡng.
Tuy nhiên, theo một quan chức cao cấp Mỹ, được hãng tin Reuters trích dẫn, Bình Nhưỡng không có năng lực tiến hành một cuộc tấn công quy mô nhằm vào Sony Pictures mà có thể nước này đã cho “gia công” một phần việc tại nước ngoài. Trong khi đó, giới chức Mỹ nói rằng, CHDCND Triều Tiên có một đạo quân tin tặc khoảng 6.000 người để chống lại Mỹ và Hàn Quốc. Lực lượng này đông hơn nhiều so với phía Mỹ. Washington cáo buộc Bình Nhưỡng là thủ phạm, nhưng quốc gia phía Bắc trên bán đảo Triều Tiên luôn bác bỏ và yêu cầu có cuộc điều tra chung do lực lượng hai nước thực hiện. Song, Mỹ không chấp nhận đề nghị này.
Ngày 2-1-2015, Washington chính thức tăng cường các biện pháp trừng phạt đối với Bình Nhưỡng. Loạt trừng phạt mới này nhằm vào 10 quan chức, 2 tập đoàn trong lĩnh vực quốc phòng và cơ quan tình báo đặc trách tấn công trên mạng. Cụ thể, phong tỏa tài sản các cá nhân và công ty bị nêu tên, cấm sử dụng hệ thống tài chính Mỹ, cấm người Mỹ giao dịch với họ.
Nhà Trắng nói rõ đây chỉ là “phần đầu” trong chiến dịch trả đũa của Mỹ. Các biện pháp trừng phạt mới cũng được xem là cách thức mà Tổng thống Mỹ Barack Obama thực hiện cam kết “đáp trả tương xứng”.
Trong một diễn biến liên quan, vào các ngày 22 và 24-12-2014, các cuộc tấn công tin học chưa rõ nguồn gốc đã làm hệ thống Internet của CHDCND Triều Tiên bị gián đoạn 2 lần. Một số người nghĩ rằng, Mỹ đứng đằng sau vụ trả đũa tin học này sau khi Sony Pictures bị tin tặc tấn công và đã buộc hãng làm phim phải hủy bỏ kế hoạch phân phối bộ phim The Interview.
Nhưng tác động của vụ trả đũa đối với CHDCND Triều Tiên chẳng đáng là bao vì đông đảo người dân không quan tâm mấy đến Internet. Giới chuyên gia nhận định: tại CHDCND Triều Tiên, chỉ khoảng 2 triệu người dùng điện thoại di động nhưng không thể truy cập Internet và gọi điện ra nước ngoài. Bên cạnh đó, nước này có khoảng 1 triệu máy tính, chủ yếu trong các trường học và công sở, nhưng rất ít khi kết nối Internet.
Theo các nhà quan sát, với vụ việc vừa xảy ra, hầu hết các thành viên hữu quan đều bị thiệt hại ít nhiều. Công ty Sony Pictures thua lỗ lớn. Phía CHDCND Triều Tiên nay phải đối mặt với lệnh trừng phạt cứng rắn hơn và khó nhận được khoản đầu tư vốn rất cần thiết để thực hiện thành công cuộc cải cách kinh tế do nhà lãnh đạo trẻ Kim Jong-un khởi xướng từ 2 năm gần đây. Còn chính quyền Mỹ khi quyết định gia tăng các biện pháp trừng phạt thì việc giải quyết vấn đề hạt nhân trên bản đảo Triều Tiên sẽ trở nên khó khăn hơn, thậm chí là rất xa vời.
Bởi vậy, xem ra chẳng ai giành được phần thắng trong vụ việc mà các nhà quan sát chính trị gọi là cuộc chơi có tên “Sony Pictures”.
TUYẾT MINH