Quan hệ giữa Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) với Trung Quốc đang vấp phải vật cản lớn nhất là vấn đề Biển Đông, bởi Bắc Kinh đang tranh chấp chủ quyền với nhiều nước thuộc ASEAN.
Hơn thế, vấn đề Biển Đông mà Trung Quốc tạo nên cơn sóng bất an trong những năm vừa qua liên quan đến tuyến vận tải hàng hải lớn nhất thế giới và hàng trăm quốc gia đều có lợi ích ít nhiều khi tàu thuyền đi qua khu vực này.
Thế nhưng, Trung Quốc liên tiếp đưa ra những tuyên bố làm nhiều nước liên quan và cộng đồng quốc tế hết sức nghi ngờ, lo ngại bởi tính hai mặt của nó. Khi thì họ tuyên bố Biển Đông thuộc chủ quyền hoàn toàn của Trung Quốc; khi thì họ tuyên bố Biển Đông không có những vấn đề gì gây lo ngại cho an toàn hàng hải…
Mới đây, trong chuyến thăm Ấn Độ của Tổng thống Mỹ Barack Obama, hai bên ra tuyên bố kêu gọi tất cả các bên liên quan “tránh đe dọa sử dụng vũ lực và theo đuổi giải pháp hòa bình cho các tranh chấp lãnh thổ và lãnh hải” ở Biển Đông, thực tế là ám chỉ Trung Quốc. Ngay lập tức, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh tuyên bố rằng, tại thời điểm này, tình hình Biển Đông nhìn chung ổn định, không có vấn đề gì về quyền tự do hàng hải - hàng không, và rằng Bắc Kinh tin sẽ không có vấn đề gì nổi lên trong tương lai (!?).
Nhưng kỳ thực, thực tế Trung Quốc liên tiếp có những hành động, trong đó có việc tiến hành bồi lấp trên quy mô lớn ở nhiều đảo trên Biển Đông, trong đó có các đảo thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Trong cuộc họp Ngoại trưởng các nước ASEAN ngày 28-1 tại thành phố Kota Kinabalu trên đảo Borneo của Malaysia, Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario tuyên bố: “Việc xây dựng quy mô này (của Trung Quốc) đặt ASEAN vào cái thế phải lựa chọn chiến lược. Nếu chúng ta cứ khoanh tay đứng nhìn thì sẽ có hại cho sự đoàn kết của khối, do ASEAN bất lực trong việc hành động tập thể và thống nhất trước một vấn đề cấp thiết như thế ngay trong sân nhà của chúng ta”. Theo Ngoại trưởng Philippines, cộng đồng quốc tế cần phải “nói với Trung Quốc rằng những gì họ đang làm là sai trái, đồng thời phải chấm dứt các hành động xây dựng trên”.
Điều đó cho thấy hành động của Trung Quốc luôn đi ngược với những gì họ tuyên bố rằng “mong muốn hòa bình, hữu nghị và không có những động thái làm tình hình ở khu vực Biển Đông trở nên phức tạp”.
Tuần trước, Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario cũng tố cáo Bắc Kinh đang ra sức bồi đắp các đảo nhỏ xung quanh nhiều bãi đá ở quần đảo Trường Sa, có thể xây dựng các công trình kiên cố, gây trở ngại cho tự do hàng hải trên Biển Đông.
Phản ứng với tuyên bố đó, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho rằng, “các nước nhỏ không thể gây rắc rối từ những chuyện không đáng kể” (!?).
Vậy hành động nào là đáng kể và không đáng kể khi một quốc gia xâm phạm trắng trợn chủ quyền của quốc gia khác, làm ảnh hưởng tới an ninh, an toàn tuyến vận tải hàng hải quốc và có nguy cơ dẫn tới xung đột?
Thật sự đó là tuyên bố của kẻ dựa trên sức mạnh quân sự, kinh tế nhằm đe dọa, uy hiếp quốc gia khác. Đồng thời, nó cũng cho thấy việc các nước nghi ngờ và lo ngại sự không thống nhất giữa lời nói và hành động của Trung Quốc là hoàn toàn có lý.
TUYẾT MINH