.

Hướng đến Cộng đồng ASEAN

.

Ngày 31-12-2015, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) gồm: Việt Nam, Thái Lan, Lào, Campuchia, Malaysia, Indonesia, Myanmar, Singapore, Philippines, Brunei với 625 triệu dân sẽ trở thành một Cộng đồng dựa trên 3 trụ cột: Cộng đồng chính trị - an ninh ASEAN, Cộng đồng kinh tế ASEAN và Cộng đồng văn hóa - xã hội ASEAN.

Trên cơ sở phân tích các nhân tố tác động đến triển vọng của ASEAN trong 10-15 năm tới, dự báo khả năng hiện thực nhất là ASEAN sẽ chuyển hóa dần từ một hiệp hội khá lỏng lẻo thành một tổ chức hợp tác liên chính phủ có mức độ ràng buộc pháp lý cao hơn và liên kết sâu rộng hơn, nhưng không trở thành một tổ chức siêu quốc gia. ASEAN sẽ trở thành một thực thể chính trị - kinh tế gắn kết hơn, một cộng đồng “thống nhất trong đa dạng”; tiếp tục là một tổ chức hợp tác khu vực mở và có vai trò quan trọng ở châu Á - Thái Bình Dương.

Vì vậy, ban đầu, các nhà lãnh đạo chọn thời hạn xây dựng Cộng đồng ASEAN là năm 2020 nhưng sau đó quyết định đẩy nhanh quá trình xây dựng Cộng đồng, thống nhất thời hạn mới là năm 2015 và thông qua lộ trình này từ Hội nghị Thượng đỉnh năm 2009.

Như vậy, sau 48 năm hình thành và phát triển, ASEAN sẽ trở thành một Cộng đồng nhằm đóng vai trò trung tâm trong các thiết chế khu vực và đủ khả năng là đối tác tích cực, đáng tin cậy trên trường quốc tế.

Cộng đồng chính trị - an ninh có 3 đặc trưng chính: một Cộng đồng hoạt động theo luật lệ với các giá trị, chuẩn mực chung; một khu vực gắn kết, hòa bình và tự cường, có trách nhiệm chung bảo đảm an ninh toàn diện; và một khu vực năng động, rộng mở với bên ngoài trong một thế giới ngày càng gắn kết và tùy thuộc lẫn nhau.

Cộng đồng kinh tế nhằm tạo ra một thị trường chung duy nhất và cơ sở sản xuất thống nhất, trong đó có sự lưu chuyển tự do của hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, vốn và lao động có tay nghề; từ đó nâng cao tính cạnh tranh và thúc đẩy sự thịnh vượng chung cho cả khu vực; tạo sự hấp dẫn với đầu tư - kinh doanh từ bên ngoài.

Cộng đồng văn hóa - xã hội nhằm phục vụ và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân ASEAN; tập trung xử lý các vấn đề liên quan đến bình đẳng và công bằng xã hội, bản sắc văn hóa, môi trường, tác động của toàn cầu hóa và cách mạng khoa học công nghệ.

Để đạt được 3 trụ cột chính nói trên, trong những năm qua, các thành viên ASEAN đã tập trung giải quyết rất nhiều vấn đề liên quan; từng bước hoàn thiện các cơ chế, chính sách. Trả lời phỏng vấn báo chí ngày 16-2, Tổng Thư ký ASEAN Lê Lương Minh cho hay, với gần 90% các biện pháp trong lộ trình đã được thực hiện, ASEAN đang đẩy mạnh việc triển khai các biện pháp còn lại trên cả ba trụ cột: chính trị - an ninh, kinh tế và văn hóa - xã hội.

Mặc dù các biện pháp còn lại chiếm khoảng 10% và là những biện pháp khó, nhưng với quyết tâm và kế hoạch, những ưu tiên cụ thể được đề ra đến cuối năm 2015, chắc chắn những biện pháp quan trọng nhất, có tác dụng lan tỏa nhất đối với quá trình hội nhập của ASEAN sẽ được thực hiện đúng thời hạn.

Tổng Thư ký ASEAN Lê Lương Minh cho biết, mặc dù đang đi đúng tiến độ nhưng ASEAN cũng đang gặp nhiều thách thức để tiến tới việc hình thành Cộng đồng vào cuối năm nay và tiếp tục củng cố Cộng đồng sau năm 2015, đặc biệt trong việc nội hóa để thực hiện các cam kết khu vực, thúc đẩy các nước thành viên phê chuẩn các hiệp định đã ký kết.

Trước đó, tại cuộc tọa đàm ngày 8-1-2015 do Bộ Ngoại giao Việt Nam phối hợp với Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tổ chức, có sự tham gia của đại sứ các quốc gia thành viên ở Hà Nội với chủ đề “Hướng tới Cộng đồng ASEAN 2015: Góc nhìn các nước thành viên”, Đại sứ Nguyễn Vũ Tú, Trưởng SOM ASEAN của Việt Nam nhận định: Để hướng tới hình thành Cộng đồng chung, việc mở rộng hợp tác, đặc biệt là sự hợp tác giữa các nước thành viên ASEAN, là điểm nhấn quan trọng để tiếp tục duy trì hòa bình và an ninh khu vực Đông Nam Á.

ASEAN cần phải bảo đảm tăng trưởng kinh tế bởi điều này giúp Cộng đồng có vai trò lớn hơn trên trường quốc tế. Còn về văn hóa - xã hội, đây là điểm rất riêng của Cộng đồng ASEAN nhằm xây dựng một Cộng đồng có sự quan tâm lẫn nhau giữa các nước thành viên.

Còn đại diện của Thái Lan, Đại sứ Panyarak Poolthup chia sẻ: “Những tiềm năng của Cộng đồng ASEAN sẽ mang lại nhiều lợi ích cho Thái Lan. Với nền tảng kinh tế vững chắc và hợp tác kinh tế trong khu vực, ASEAN sẽ đẩy mạnh các lợi thế của nền kinh tế Thái Lan và tăng cường sức cạnh tranh của chúng tôi”.

Dựa trên 3 trụ cột chính, ASEAN đang xây dựng một Cộng đồng hướng tới người dân, lấy người dân làm trung tâm và những lợi ích có được phục vụ cho chính người dân của mỗi quốc gia nói riêng, cả Cộng đồng nói chung.

Khi Cộng đồng chính thức ra đời, ASEAN sẽ tiếp tục nỗ lực bảo đảm Đông Nam Á là khu vực hòa bình, ổn định và thịnh vượng; kết nối tốt hơn giữa các nước trong khu vực và giữa khu vực với thế giới trên cả ba lĩnh vực: hạ tầng, thể chế và kết nối con người; củng cố ASEAN là một cộng đồng chia sẻ, đoàn kết trong sự đa dạng.

TUYẾT MINH

;
.
.
.
.
.