Cuộc xung đột vũ trang ở Ukraine bước sang tháng thứ 10 với hơn 5.000 người thiệt mạng.
Vấn đề Ukraine làm nhiều mối quan hệ vốn được hình thành sau hơn hai thập niên Chiến tranh Lạnh kết thúc đã rạn nứt, thậm chí có nguy cơ tạo ra một trật tự thế giới mới, khi các bên liên quan không giải quyết được các bất đồng để thiết lập hòa bình trên lục địa châu Âu già cỗi.
Trước hết, đó là mối quan hệ giữa Nga với châu Âu và Mỹ. Quan hệ giữa hai bên đã “băng giá” trên nhiều lĩnh vực chính trị - kinh tế và quân sự. Hiện không còn sự hợp tác quân sự Nga - NATO. Thậm chí, NATO vạch ra kế hoạch hình thành lực lượng phản ứng nhanh để đối phó với mối đe dọa hòa bình mà thực chất là nhắm vào Nga.
Tuy nhiên, với hành động cấm vận, bà Fiona Hill, Giám đốc Trung tâm về Mỹ và châu Âu, thuộc Viện tư vấn độc lập Brookings Institution, cho rằng phương Tây sẽ bị lạc hướng nếu chờ đợi các trừng phạt đối với Nga mang lại kết quả. Trả lời AFP, bà Fiona Hill nhận định, phương Tây hiện phải đương đầu với “tình thế lưỡng nan, vừa phải tìm cách để chấm dứt xung đột tại Ukraine, vừa phải tránh sa lầy vào một quan hệ ngày càng xung đột hơn với nước Nga”.
Thứ hai là châu Âu và Mỹ đang mâu thuẫn về cách giải quyết vấn đề Ukraine. Theo AFP, các nhà lãnh đạo Mỹ và châu Âu dường như không có cùng cách diễn giải khi phương Tây trình bày quan điểm về cuộc xung đột tại Ukraine và quan hệ với nước Nga. Câu hỏi gây bất đồng là có nên trang bị vũ khí cho quân đội Ukraine hay không. Thảo luận với Tổng thống Mỹ Barack Obama trong ngày 9-2 tại Nhà Trắng, Thủ tướng Đức Angela Merkel nhấn mạnh đến quan điểm chống giải pháp quân sự nhưng lập trường của bà làm các nghị sĩ Mỹ bất bình.
Thứ ba là ngay trong nội bộ châu Âu đã có những rạn nứt nhất định. Đó là thái độ của chính phủ mới ở Hy Lạp. Tân Ngoại trưởng Hy Lạp Nikos Kotzia đã nhắc đến mối quan hệ lịch sử lâu đời giữa Hy Lạp và Nga; đồng thời không ngần ngại chỉ trích chính sách cứng nhắc hiện nay của Brussels đối với Mátxcơva. Còn Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras thẳng thắn phản đối thông cáo của EU đe dọa áp đặt các biện pháp trừng phạt mới đối với Mátxcơva và nói rằng Athens không được tham khảo trước về thông cáo này. Thậm chí, ông Tsipras tuyên bố mong muốn Hy Lạp trở thành “cầu nối” giữa châu Âu và nước Nga.
Bởi vậy, nhiều nhà quan sát bắt đầu cảm thấy thái độ của chính phủ Hy Lạp không đơn thuần là mối thiện cảm với nước Nga mà còn là những dấu hiệu chuyển hướng ngoại giao đáng quan tâm.
Một thành viên khác trong EU là Hungary luôn thể hiện sự “nước đôi” và dè dặt, nhiều khi đi ngược lại quan điểm chung của khối trong vấn đề Ukraine. Thủ tướng Hungary Viktor Orban cho rằng, tình trạng của Ukraine là “quan trọng đặc biệt” với Hungary vì không chỉ là một nước láng giềng mà còn vì tại Ukraine có cộng đồng kiều dân đông đảo, và khí đốt được chuyển từ Nga qua Hungary cũng theo con đường này. Do đó, Hungary đứng về phía hòa bình và chỉ có thể chấp nhận giải pháp theo hướng hòa bình. Thủ tướng Hungary còn nói thêm, không chỉ Hungary mà các quốc gia châu Âu khác cũng phụ thuộc vào khí đốt Nga nên tất cả phải kiến tạo được mối quan hệ tốt.
Những rạn nứt đó buộc các thành viên chủ chốt trong EU muốn nhanh chóng giải quyết cuộc xung đột ở Ukraine. Theo AFP, trong một tài liệu đang soạn thảo bị “lọt ra” ngoài, cách nay khoảng 2 tuần, lãnh đạo ngoại giao châu Âu Federica Mogherini giải thích cần phải gác lại vấn đề Nga sáp nhập bán đảo Crimea để mở đường cho những phương thức đối thoại mới với Mátxcơva, dù lập trường không thay đổi của châu Âu là không thừa nhận Crimea là một phần lãnh thổ của Nga.
Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Francois Hollande đã đến Nga để gặp Tổng thống Vladimir Putin bàn thảo về một kế hoạch hòa bình mới cho Ukraine. Ngay sau đó, bà Merkel tiến hành các hoạt động ngoại giao đầy khó khăn. Một mặt, lãnh đạo Đức bác bỏ khả năng giao vũ khí cho Ukraine trong cuộc chiến chống lại lực lượng ly khai ở miền đông Ukraine. Mặt khác, bà phải thuyết phục Washington dùng giải pháp ngoại giao và Berlin mong muốn sáng kiến ngoại giao Đức - Pháp sẽ thành công.
Vấn đề Ukraine có sớm được giải quyết hay không thì còn phải có thời gian, nhưng sự rạn nứt trong quan hệ giữa Nga với Mỹ và châu Âu, giữa châu Âu với Mỹ, hay giữa các nước trong EU đang hiện hữu. Nếu các bên không hóa giải mâu thuẫn thì những đổ vỡ lớn hơn sẽ không tránh khỏi.
TUYẾT MINH