.

Thành viên thứ tám

.

Xung quanh vấn đề hạt nhân của Iran hiện nay, không chỉ các bên liên quan trực tiếp các vòng đàm phán P5+1 (bao gồm 5 nước ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc là Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc, Mỹ cùng Đức), mà xuất hiện thêm thành viên thứ 8 đang muốn làm những nỗ lực nhằm đạt được một thỏa thuận với quốc gia Hồi giáo này đổ vỡ.

Mặc dù thừa nhận còn những trở ngại cần phải vượt qua trong các vòng đàm phán sắp tới, nhưng cả Mỹ lẫn Iran đều xác định thỏa thuận lịch sử về chương trình hạt nhân gây tranh cãi đã được định hình. Theo đó, Tehran sẽ ngừng các hoạt động hạt nhân trong vòng 10 năm. Đổi lại, P5+1 sẽ từng bước nới lỏng các hạn chế để Iran có thể trở lại với chương trình hạt nhân của mình. Đây được xem là sự nhượng bộ lớn vì Mỹ và P5+1 trước đây đòi Iran phải ngừng các hoạt động hạt nhân trong vòng 20 năm. Các chi tiết của thỏa thuận sơ bộ này sẽ tiếp tục được thảo luận trong vòng đàm phán tiếp theo, dự kiến diễn ra ở cấp vụ trưởng vào ngày 2-3 tới cũng tại Geneva (Thụy Sĩ).

Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Susan Rice nói rằng, thỏa thuận với Iran nếu được ký kết thành công sẽ là một quá trình nhiều giai đoạn vì Tehran sẽ cần “nhiều hơn một ngày” để thuyết phục cộng đồng quốc tế về tính an toàn của chương trình hạt nhân của mình, cũng như chứng tỏ các cam kết bằng hành động cụ thể.

Tuy nhiên, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu - người liên tục chỉ trích việc đàm phán với Iran - cho rằng trong cuộc đàm phán này, Mỹ đã nhượng bộ nhiều trong khi Tehran vẫn có tham vọng chế tạo vũ khí hạt nhân. Được ví như thành viên thứ 8, Israel cho rằng, thỏa thuận đó sẽ “cho phép Iran đe dọa sự tồn vong của Israel” vì chỉ trong vòng một vài năm là Tehran có thể có khả năng sản xuất nhiều bom hạt nhân.

Để phá vỡ các thỏa thuận này, Thủ tướng Netanyahu nhận lời mời hồi tháng trước của Chủ tịch Hạ viện Mỹ, Hạ nghị sĩ đảng Cộng hòa John Boehner đọc một bài diễn văn trước lưỡng viện Quốc hội Mỹ vào ngày 3-3 tới. Bài phát biểu của ông Netanyahu sẽ diễn ra một ngày trước khi P5+1 và Iran bước vào vòng đàm phán tiếp theo với hy vọng đạt được một thỏa thuận khung trước ngày 31-3 để 3 tháng còn lại sau đó, trước hạn chót 30-6, sẽ thảo luận chi tiết của văn bản hiệp định cuối cùng về chương trình hạt nhân của Tehran. Ông Netanyahu muốn giải thích với các nhà lập pháp Mỹ về hậu quả của một thỏa thuận giữa P5+1 với Iran không chỉ đe dọa an ninh của Israel mà còn gây bất ổn tình hình khu vực Trung Đông và toàn thế giới. Qua đó, Quốc hội Mỹ sẽ gây cản trở cho việc thông qua các thỏa thuận mà Nhà Trắng đạt được trong đàm phán với Iran.

Trả lời phỏng vấn báo chí ngày 25-2, bà Susan Rice chỉ trích việc Thủ tướng Netanyahu sẽ đọc diễn văn trước Quốc hội Mỹ và cho rằng quyết định của ông này “đã tiêm nhiễm tính chất đảng phái vào mối quan hệ giữa Mỹ với Israel”. Đồng thời, Nhà Trắng bày tỏ thái độ tức giận với việc ông John Boehner mời nhà lãnh đạo Israel mà không thông báo trước với giới chức hành pháp. Còn cá nhân Tổng thống Barack Obama đã phản ứng lại bằng việc tuyên bố sẽ không gặp ông Netanyahu trong thời gian vị Thủ tướng Israel này có mặt tại Washington. Lý do được ông Obama đưa ra là để tránh gây cảm nhận rằng Mỹ đang tìm cách gây ảnh hưởng tới cuộc bầu cử sẽ được tổ chức tại Israel sau đó 2 tuần.

Trong một nỗ lực nhằm xoa dịu quan ngại từ phía giới nghị sĩ trong nước về khả năng dỡ bỏ những hạn chế đối với chương trình hạt nhân của Iran trong tương lai, phát biểu trước Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ ngày 25-2, Ngoại trưởng John Kerry nhấn mạnh việc dỡ bỏ các hạn chế, dù vào thời điểm nào, cũng không đồng nghĩa với việc Iran được phép phát triển vũ khí hạt nhân. Ông Kerry khẳng định Tehran bị cấm sản xuất vũ khí hạt nhân vĩnh viễn.

Những dấu hiệu trên cho thấy Mỹ muốn giải quyết sớm vấn đề hạt nhân của Iran - một nút thắt trong chính sách Trung Đông để tập trung vào cuộc chiến chống Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) và hàng loạt các vấn đề khác ở khu vực này. Song, đó cũng là nhân tố làm quan hệ giữa Mỹ với Israel, đồng minh số một ở Trung Đông, xuất hiện những rạn nứt lớn. Ông Netanyahu trước đó thừa nhận có “bất đồng sâu sắc” với Tổng thống Mỹ về các nỗ lực của Washington và nhóm P5+1 trong việc giải quyết vấn đề hạt nhân Iran.

Vậy, trong cuộc đối đầu này, ông Barak Obama hay ông Benjamin Netanyahu thắng thế, ta hãy chờ xem!

TUYẾT MINH

;
.
.
.
.
.