Quan hệ giữa Mỹ và Venezuela lâu nay vốn căng thẳng giờ đây càng căng thẳng hơn, khi Tổng thống Mỹ Barack Obama gia tăng trừng phạt nhằm vào các quan chức cấp cao cùng tuyên bố xem Caracas là “mối đe dọa bất thường đối với an ninh quốc gia và chính sách đối ngoại của Mỹ”.
Thế nhưng, dư luận Mỹ Latinh và nhiều quốc gia khác trên thế giới đặt lại câu hỏi: Ai đe dọa ai? Chẳng lẽ Venezuela lại đe dọa nuớc Mỹ hùng mạnh cả về kinh tế, chính trị lẫn quân sự?
Hoàn toàn không có câu chuyện như vậy xảy ra. Thực chất lâu nay, Mỹ đã sử dụng nhiều biện pháp cả bí mật lẫn công khai để tiến hành lật đổ chính quyền của Tổng thống Venezuela Hugo Chavez trước đây và người kế nhiệm hiện nay là ông Nicolas Maduro. Bởi một lý do rất đơn giản, lực luợng cánh tả nắm quyền ở Venezuela do Tổng thống Maduro đứng đầu quyết đi theo con đường mà mình đã chọn, không lệ thuộc Mỹ và luôn đấu tranh chống Mỹ, bảo vệ nền độc lập, tự do của đất nước.
Bởi vậy, nhiều năm qua, hàng loạt âm mưu của Mỹ đã bị chính quyền Venezuela kịp thời ngăn chặn và vạch trần trước công luận. Venezuela đã phát hiện, bắt giữ, trục xuất nhiều điệp viên hoạt động cho Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) nhằm lật đổ chính phủ, ám sát tổng thống; Caracas còn yêu cầu Washington cắt giảm nhân viên ngoại giao tại nước này. Gần đây, Venezuela cáo buộc Mỹ đứng sau nhiều âm mưu kích động làn sóng biểu tình và gây ra cuộc chiến tranh kinh tế hòng lật đổ chính quyền của Tổng thống Maduro.
Thậm chí, trong thời gian nhà lãnh đạo Venezuela có chuyến công du nước ngoài, phe đối lập và các âm mưu thù địch bên ngoài còn phao tin có thể xảy ra đảo chính quân sự và kích động người dân xuống đường biểu tình phản đối tình trạng khan hiếm lương thực trong nước.
Tức giận trước những động thái đó của Venezuela, Mỹ áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt và xem Venezuela là “mối đe dọa bất thường đối với an ninh quốc gia và chính sách đối ngoại của Mỹ”, một động thái được các nhà quan sát chính trị cho là có thể dẫn tới một chiến dịch quân sự của Washington nhắm vào Caracas, như từng xảy ra ở châu Mỹ, châu Âu, châu Á và Trung Đông.
Ngay lập tức, nhiều tổ chức chính trị - xã hội tại Mexico, Puerto Rico, Bolivia, Argentina… đã tổ chức tuần hành hoặc ra thông cáo bày tỏ ủng hộ đối với chính phủ và nhân dân Venezuela. Đáng lưu ý, Tổng thống Ecuador Rafael Correa đã bình luận trên trang web cá nhân về tuyên bố của ông Obama rằng: “Đó hẳn phải là một lời đùa cợt tồi. Nó gợi lại những thời khắc đen tối nhất trong lịch sử châu Mỹ của chúng ta, thời khắc của những cuộc xâm lược của Mỹ và các chế độ độc tài. Phải chăng, họ không hiểu rằng Mỹ Latinh đã thay đổi?”.
Để đối phó những âm mưu của Mỹ, chính quyền của Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro đang gấp rút đề nghị Quốc hội nước này thông qua Luật trao quyền đặc biệt chống đế quốc…
Có thể nói, quan hệ Washington - Caracas đang ở bên bờ vực của một cuộc tấn công quân sự, mà quốc gia bị đe dọa chính là Venezuela chứ không phải Mỹ như ông chủ Nhà Trắng đề cập.
TUYẾT MINH