Vấn đề an ninh, an toàn hàng hải ở Biển Đông đang là tâm điểm chú ý của các quốc gia trong khu vực và thế giới. Tình hình ở Biển Đông hiện có 3 nhân tố làm vấn đề an ninh, an toàn hàng hải bị đe dọa nghiêm trọng.
Một là, gần một thập niên trở lại đây, cấu trúc trong khu vực đang tiếp tục vận động mạnh mẽ nhằm hình thành một mô hình hợp tác và phát triển mới, phù hợp với xu thế của thời đại. Trong đó, các quốc gia thành viên ASEAN đang hướng tới một cộng đồng chung vào cuối năm 2015, minh chứng cho sự phát triển và hội nhập của các quốc gia trong khu vực, tạo thành một đối tác có ảnh hưởng trên thế giới.
Tuy nhiên, sự phát triển này chịu ảnh hưởng lớn từ sự cạnh tranh chiến lược giữa các cường quốc, bao gồm cả địa chính trị lẫn địa kinh tế. Nhất là khi Mỹ chuyển hướng chiến lược sang châu Á - Thái Bình Dương thì khu vực Biển Đông trở thành nhân tố không thể thiếu đối với Mỹ. Trong khi đó, các cường quốc khác như: Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản cũng coi khu vực Biển Đông có lợi ích cốt lõi của họ và đang hướng tới những mục tiêu dài hạn về chính trị - kinh tế - quân sự… Chính điều đó ít nhiều làm các quốc gia ở khu vực Biển Đông bị ảnh hưởng và chi phối.
Hai là, xảy ra tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không, trong đó có một số hoạt động mang tính bá quyền, tham vọng, không tuân thủ chuẩn mực quốc tế và các cam kết khu vực.
Nổi bật nhất là các hành động của Trung Quốc trong những năm vừa qua ở khu vực Biển Đông như: tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông; công bố bản đồ đường lưỡi bò chín đoạn. Đặc biệt là Trung Quốc đã có hàng loạt vụ gây hấn với Việt Nam trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Trung Quốc còn tiến hành bồi lấp nhân tạo các đảo họ cưỡng chiếm của Việt Nam ở Trường Sa; chuẩn bị lập vùng nhận dạng hàng không; gia tăng tuần tra, tập trận, bắn đạn thật ở Biển Đông.
Ba là, những thách thức an ninh phi truyền thống ngày càng gay gắt, phức tạp, như khủng bố quốc tế, cướp biển… Các hoạt động cướp biển ngày một gia tăng ở ngoài khơi các nước Indonesia, Singapore, Malaysia, khiến Đông Nam Á trở thành điểm nóng về cướp biển. Năm 2011, nạn cướp biển gần như được dẹp yên khi có hoạt động kiểm tra, tuần tra của lực lượng hải quân Malaysia, Indonesia, Singapore và Ấn Độ. Thế nhưng, từ cuối năm 2012 đến nay, khi khủng hoảng kinh tế - tài chính bắt đầu ảnh hưởng mạnh đến các quốc gia châu Á, cướp biển bắt đầu tung hoành trở lại.
Theo báo cáo của Viện Nghiên cứu và đào tạo Liên Hợp Quốc công bố cuối năm 2014, khu vực Đông Nam Á đã vượt qua vùng biển Somalia và vùng sừng châu Phi để trở thành vùng biển nguy hiểm bậc nhất thế giới. Riêng trong năm 2013 xảy ra 125 vụ cướp biển tại khu vực này, cao gấp 3 lần so với năm 2009. Năm 2014, ít nhất 14 tàu chở dầu đã bị cướp trên Biển Đông và eo biển Malacca. Riêng Việt Nam đã có hai tàu bị cướp tấn công.
Để góp phần bảo đảm an ninh, an toàn hàng hải ở Biển Đông, các nước ASEAN đã có hoạt động thích hợp và đề ra nhiều giải pháp cụ thể như: tuần tra chung, chia sẻ thông tin tình báo, phối hợp tấn công truy bắt tội phạm, tham gia cứu nạn cứu hộ...
Vấn đề an ninh, an toàn hàng hải ở Biển Đông đang là yêu cầu bứt thiết và là trách nhiệm không chỉ với các nước liên quan mà cả cộng đồng quốc tế để đấu tranh ngăn chặn các hành động sai trái, không phù hợp luật pháp quốc tế cũng như các thỏa thuận đã cam kết; đồng thời đấu tranh ngăn chặn các phần tử khủng bố, nạn cướp biển…
TUYẾT MINH