Nga gọi việc Mỹ đồng ý cung cấp cho Ukraine máy bay không người lái và xe quân sự bọc thép Humvee, cũng như mở rộng các biện pháp trừng phạt kinh tế nhằm vào một ngân hàng của Mátxcơva và các thủ lĩnh ly khai ở đông Ukraine là sự “khiêu khích chính trị”, có thể làm trầm trọng thêm khủng hoảng.
Các trang thiết bị quân sự do Mỹ viện trợ cho Ukraine (không bao gồm vũ khí) có trị giá 75 triệu USD, bao gồm: 230 mẫu xe bọc thép Humvee các loại, máy bay không người lái Raven, các loại radar chống pháo, các thiết bị quan sát ban đêm và những thiết bị sử dụng cho quân y.
Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko hoan nghênh sự hỗ trợ đến từ một “ông lớn” - một đồng minh lớn của Kiev, tuy viện trợ không có vũ khí sát thương. Tổng thống Mỹ Barack Obama quan ngại việc đưa thêm vũ khí vào một khu vực đang bất ổn như đông Ukraine sẽ càng gây đổ máu. Và quyết định mà ông đưa ra không phải là “một giải pháp quân sự”, như ông cam kết. Song, điều này làm cả lực lượng ly khai lẫn Nga đều không hài lòng. Bởi lẽ, bất kỳ hành động nào trong lúc này cũng dẫn đến thỏa thuận ngừng bắn đang trong trạng thái mong manh, vốn được ký kết ngày 12-2 vừa qua, có thể bị đổ vỡ. Minh chứng là Mátxcơva đã ngay lập tức bày tỏ phản đối quyết định viện trợ của Mỹ.
Cuộc khủng hoảng ở đông Ukraine đã kéo dài 11 tháng và làm hơn 6.000 người chết. Thỏa thuận ngừng bắn được ký kết tại thủ đô Minsk của Belarus không thật sự giải quyết được vấn đề, bởi giao tranh vẫn nổ ra do hai bên liên quan không chịu nhượng bộ và tỏ ra thiếu kiên nhẫn. Điều này cũng đánh dấu căng thẳng leo thang giữa Nga và phương Tây.
Một quan ngại nữa trong lúc này là các biện pháp trừng phạt của Mỹ nhằm vào Nga chỉ làm vấn đề thêm rối rắm. Trong đó có việc Washington đưa 3 quan chức của cựu chính phủ thân Nga, dưới thời ông Viktor Yanukovych, vào danh sách bị trừng phạt. Bộ Tài chính Mỹ cảnh báo nếu Nga “tiếp tục ủng hộ các hoạt động gây mất ổn định ở Ukraine, vi phạm thỏa thuận Minsk thì nước này sẽ đối mặt thêm những thiệt hại”. Tuy nhiên, Nga vẫn bác bỏ mọi cáo buộc về việc quốc gia này đã đưa vũ khí hạng nặng và hàng ngàn binh sĩ đến ủng hộ lực lượng ly khai. Thậm chí, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov còn cho rằng “cảm thấy khó hiểu” trước việc mở rộng trừng phạt của Washington. “Không có sự liên kết logic nào để lý giải cho quyết định trên”, Thứ trưởng Ryabkov nói. Và vì thế, Mátxcơva không tin “mối quan tâm của Washington là tình hình trở lại bình thường”.
Lập trường kiên định của Nga không làm Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm vận, nhưng việc Washington hỗ trợ vũ khí phi sát thương cho Kiev không đi ngược lại với mong muốn của Đức và Pháp - hai nước đi đầu trong “sáng kiến hòa bình” cho vùng đông Ukraine. Đến lúc này, thật sự vẫn khó tìm ra câu trả lời về một giải pháp toàn diện để kết thúc cuộc xung đột, khi bên này cứ đổ lỗi cho bên kia “khiêu khích chính trị”.
VĨNH AN