.

Châu Âu lo sợ "gấu Nga"

Chuyến công du Nga trong hai ngày 8 và 9-4 của Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras làm châu Âu lo lắng.

Trước thềm cuộc gặp giữa Thủ tướng Alexis Tsipras với Tổng thống Vladimir Putin tại Mátxcơva, các nhà lãnh đạo châu Âu cảnh báo Hy Lạp không nên có quan hệ quá thân thiết với Nga khi cuộc đàm phán nợ công vẫn còn căng thẳng. Thông điệp đưa ra là khi Athens nhận quá nhiều sự hỗ trợ của Liên minh châu Âu (EU) thì không nên đơn phương phá vỡ thỏa thuận (!?).

Thực chất, châu Âu lo sợ “gấu Nga”, hay chỉ đơn thuần không muốn Hy Lạp nhận từ Nga sự hỗ trợ tài chính?

Hy Lạp đang đối mặt với thời hạn cuối đàm phán với các chủ nợ châu Âu. Theo đó, nước này phải thực hiện hàng loạt cải cách “thắt lưng buộc bụng” trước khi nhận được các khoản cứu trợ mới. Có những đồn đoán rằng, ông Tsipras muốn thúc đẩy quan hệ với Nga nhằm có được sự hỗ trợ về tài chính. Tuy nhiên, Tổng thống Putin bác bỏ điều này. “Phía Hy Lạp không đề nghị chúng tôi bất kỳ khoản viện trợ nào”, ông chủ Điện Kremlin nói.

Trong lúc này, Nga đang chịu các biện pháp trừng phạt xung quanh cuộc khủng hoảng ở Ukraine và các nhà ngoại giao lo lắng việc Thủ tướng Tsipras xích lại gần Mátxcơva sẽ làm suy yếu quan điểm chung của châu Âu chống Mátxcơva.

Ông Tsipras là lãnh đạo thứ hai của châu Âu thăm Nga, sau chuyến công cán của Tổng thống Cyprus Nicos Anastasiades hồi tháng 2 vừa qua. Sự có mặt của ông Anastasiades tại Mátxcơva đã được cho là tạo sự rạn nứt trong chính sách của lục địa già cỗi đối với Nga. Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EC) Donald Tusk cũng thừa nhận: Thách thức lớn nhất hiện nay là giữ cho châu Âu thống nhất.

Nhật báo Te Nea của Hy Lạp cảnh báo, Thủ tướng Tsipras rơi vào thế khó khi đứng trước một “ván cờ phức tạp ở Mátxcơva”. Ông phải cân bằng được giữa một bên là củng cố mối quan hệ kinh tế với Nga, một bên là không làm các đối tác EU khó chịu. Tuy nhiên, chuyên gia phân tích Constantinos Filis nhận định: Chuyến thăm Nga của ông Tsipras mang tính “trình diễn” hơn là thực chất và người đứng đầu chính phủ Athens cũng chỉ tuyên bố phản đối lệnh trừng phạt Nga, mô tả các biện pháp này là “chính sách bế tắc”. “Hy Lạp cần EU và Nga cần Hy Lạp là một phần của EU và NATO trong việc tìm kiếm sự ủng hộ chống lại những chỉ trích cũng như các biện pháp trừng phạt kinh tế”, chuyên gia Filis nói.

Dù sao thì không thể phủ nhận sự lo lắng từ châu Âu về sự đoàn kết của EU sẽ bị phá vỡ.

VĨNH AN

;
.
.
.
.
.