.

Hóa giải sự lỗi thời

.

Trong thế kỷ XX, ngoại trừ Cuba, hầu hết các nước khu vực Mỹ Latinh được xem là “sân sau” của Mỹ.

Tuy nhiên, bước vào thế kỷ XXI, lực lượng cánh tả của nhiều quốc gia trong khu vực mạnh lên, giành quyền lãnh đạo đất nước và ngày càng có nhiều tiếng nói chống Mỹ quyết liệt, mà Venezuela là một ví dụ điển hình.

Bởi vậy, ngoài việc tiếp tục chính sách bao vây cấm vận Cuba, Mỹ tăng cường các biện pháp chống lực lượng cánh tả ở Venezuela, Brazil, Colombia, Mexico, Paraguay, Bolivia, Cộng hòa Dominica, El Salvador, Honduras, Guatemala, Uruguay, Nicaragua và Ecuador…

Thế nhưng, cuối năm 2014, đặc biệt là thời gian gần đây, Mỹ có hàng loạt động thái khá bất ngờ để xích lại gần hơn các nước trong khu vực, nhất là với Cuba và Venezuela. Mỹ tuyên bố bình thường hóa quan hệ với Cuba.

Mỹ cũng có bước “hóa giải” với Venezuela khi bên lề Hội nghị thượng đỉnh các nước châu Mỹ lần thứ 7 tại Panama, lần đầu tiên Tổng thống Barack Obama tiếp xúc trực tiếp với người đồng cấp Venezuela Nicolas Maduro. Ông Obama đã tái khẳng định Washington không đe dọa Caracas và hạ thấp tuyên bố trước đó của Nhà Trắng nhằm vào Venezuela.

Cuối cùng, Mỹ nhận ra một khi thực hiện chính sách bao vây cấm vận đã lỗi thời và bị cộng đồng quốc tế lên án mạnh mẽ, hay sử dụng vấn đề dân chủ, nhân quyền để áp đặt các giá trị Mỹ lên các quốc gia có chủ quyền không hiệu quả thì việc gỡ bỏ nó, tiến hành đối thoại là điều tất yếu.

Học giả cấp cao Darrell West của Brookings cho rằng, chính phủ của Tổng thống Obama quyết định bình thường hóa quan hệ với Cuba vì các lệnh cấm vận đối với quốc đảo Caribbe đã hoàn toàn thất bại và ông chủ Nhà Trắng hy vọng bước đi này sẽ mang lại kết quả tốt đẹp hơn thông qua các cuộc tiếp xúc, đàm phán.

Theo học giả West, trong 2 năm còn lại của nhiệm kỳ, ông Obama đang điều chỉnh trọng tâm của chính sách đối ngoại, trong đó chú trọng “hóa giải” những bất đồng với các quốc gia láng giềng để tạo sự ổn định, đồng nghĩa với việc tăng cường vị thế nước Mỹ tại khu vực. Khi các quốc gia từng được ví là “sân sau” không ổn định, tiếng nói chống Mỹ ngày càng gia tăng thì sẽ gây bất lợi cho chính sách đối nội và đối ngoại.

Một nhân tố khác không kém phần quan trọng tác động đến chính sách đối ngoại của Mỹ là xu thế của thời đại là hội nhập và phát triển, chứ không phải tiến hành các hoạt động nhằm thay đổi chế độ, hay áp đặt các giá trị của quốc gia này lên quốc gia khác.

Cho nên, nhiều nhà quan sát chính trị đã ví các hành động gần đây của Mỹ đối với Cuba và Venezuela là “hóa giải sự lỗi thời” của chính mình.

TUYẾT MINH

;
.
.
.
.
.