.

Mới một nửa lòng tin

Thỏa thuận hạt nhân sơ bộ giữa Iran và Nhóm P5+1 (gồm Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Đức) được ký kết sau 12 năm thương thuyết và đặc biệt là 8 ngày đàm phán nghẹt thở ở Lausanne (Thụy Sĩ), được đánh giá là bước đột phá trong hoạt động ngoại giao của chính phủ Barack Obama cũng như của thế giới trong năm 2015.

Thỏa thuận chứng minh rằng, cách tiếp cận ngoại giao mềm dẻo tốt hơn cách tiếp cận bằng vũ lực, đe dọa ném bom các cơ sở hạt nhân của Iran. Đây cũng là đáp án cho những chỉ trích rằng, có thể chỉ vì đạt được một “di sản” trong nhiệm kỳ mà ông Obama phải “xuống nước” trước Iran, và rằng việc chấm dứt tham vọng sở hữu vũ khí hạt nhân của Tehran là điều không tưởng.

Một điều không kém phần quan trọng và mang tính quyết định để có được thỏa thuận là các bên có liên quan đã thu hẹp đáng kể sự nghi ngờ và tăng lòng tin lẫn nhau cả ở bàn đàm phán lẫn trên thực tế.

Tuy nhiên, xét cả trên văn bản lẫn trong những tuyên bố sau khi ký kết thỏa thuận sơ bộ, thì lòng tin của nhóm P5+1, nhất là Mỹ đối với Iran và ngược lại, cũng chỉ vượt ở giới hạn hơn 50%  một chút.

Chủ tịch Hạ viện, Hạ nghị sĩ đảng Cộng hòa John Boehner cho rằng, với thỏa thuận nói trên, chính phủ Obama đã không đạt được các mục tiêu như đề ra ban đầu, không loại bỏ được hoàn toàn khả năng chế tạo bom hạt nhân của Iran. Một số nghị sĩ đảng Cộng hòa thậm chí nghi ngờ xung quanh những tiết lộ, giải thích mâu thuẫn nhau giữa Mỹ và Iran đối với các nội dung của thỏa thuận khung, nhất là về thời điểm dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt.

Một điểm đáng chú ý khác là sự phản đối của Israel, đồng minh số một của Mỹ ở Trung Đông và là đối thủ của Iran. Thủ tướng Benjamin Netanyahu đã tuyên bố rằng “sẽ là một thất bại lớn” trong 8 năm ông Obama làm tổng thống nếu an ninh của đồng minh Israel bị tổn hại.

Để trấn an dư luận và xoa dịu mọi phản ứng, Tổng thống Obama nói rằng, trong trường hợp Iran bị phát hiện vi phạm các điều khoản của thỏa thuận thì các biện pháp trừng phạt kinh tế sẽ được áp đặt lại mà không cần phải có một nghị quyết mới của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.

Còn đối với Iran, thỏa thuận sơ bộ được ký kết thể hiện chính sách ngoại giao hòa bình, tôn trọng luật pháp quốc tế, đồng thời là cơ hội để nước Cộng hòa Hồi giáo này thoát khỏi cấm vận của Mỹ và phuơng Tây, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Tuy nhiên, nguời đứng đầu nhà nước Hồi giáo Iran tuyên bố sẽ giành quyền phát triển hạt nhân vì mục đích hòa bình và không loại trừ quyền phát triển chuơng trình hạt nhân ở cấp độ vũ khí khi các các thỏa thuận với Nhóm P5+1 bị phá bỏ.

Hiện các bên có liên quan còn một chặng đường từ nay đến hết tháng 6 phải hoàn thành bản thỏa thuận đầy đủ để chính thức ký kết. Khi đã chấp nhận các điều khoản, tất nhiên Iran sẽ nỗ lực để triển khai thực hiện cả về phương diện đàm phán lẫn pháp lý. Nhưng đối với nhóm P5+1, chủ yếu là Mỹ, do vấp phải phản ứng từ cơ quan lập pháp nên Tổng thống Obama phải vuợt qua được rào cản này thì mới đi vào thực hiện thỏa thuận.

Nếu không thì công sức của 12 năm đàm phán trở nên vô nghĩa và lòng tin các của bên liên quan, nhất là giữa Mỹ và Iran, sẽ trở về con số không. Khi đó, vấn đề hạt nhân của Iran sẽ khó đoán định và tình hình Trung Đông sẽ tác động như thế nào, nhất là khi chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan đang làm cho “chảo lửa” ở đây vốn nóng bỏng càng trở nên khốc liệt.

Vì vậy, nhiều nhà quan sát quốc tế rất có lý khi cho rằng, “mới chỉ một nửa lòng tin” của hai bên được thể hiện (?!).

TUYẾT MINH

;
.
.
.
.
.