.

Sự biện hộ của Kissinger

Ông Henry Kissinger năm nay 91 tuổi, cựu Ngoại trưởng Mỹ dưới thời Tổng thống Richard Nixon.

Kissinger được cho là “kiến trúc sư” trong chuyến đi lịch sử của Tổng thống Nixon thăm Trung Quốc năm 1972, đã phá “bứt màn im lặng”, đưa hai nước xích lại gần nhau, mở rộng quan hệ ngoại giao, qua đó làm thay đổi cán cân lực lượng trên thế giới.

Thông qua “cuộc đi đêm” đó, Trung Quốc đã ném “chiếc phao” để cứu sự sa lầy của Mỹ trong cuộc chiến tranh Việt Nam. Đặc biệt, do sự kiến tạo của Kissinger nên người đứng đầu Nhà Trắng lúc bấy giờ đã làm ngơ, hay nói cách khác, bán đứng Hoàng Sa của Việt Nam cho Trung Quốc trong một cuộc tấn công của quân đội Trung Quốc lên hòn đảo này vào năm 1974.

Cũng từ đó đến nay, Kissinger luôn đứng về phía Trung Quốc trong nhiều vấn đề quốc tế, nhất là xung quanh cuộc tranh chấp trên Biển Đông hiện nay.

Theo hãng tin Bloomberg của Mỹ, ngày 30-3 vừa qua, trong một cuộc gặp gỡ với báo giới tại Singapore, bên lề tang lễ cố Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu, khi bàn về mối quan hệ và các xu thế xung đột của Trung Quốc trên Biển Đông, đặc biệt là với Việt Nam và Philippines, ông Kissinger đã khuyên Bắc Kinh và Washington nên theo gương cố lãnh đạo Trung Quốc Đặng Tiểu Bình để giảm thiểu căng thẳng liên quan đến các tranh chấp chủ quyền.

Ông Kissinger nói: “Đặng Tiểu Bình khi xử lý một số vấn đề từng cho rằng, không phải chuyện gì cũng có thể giải quyết xong trong thế hệ này. Chúng ta có thể để lại một số vấn đề cho đời sau giải quyết mà không nên làm cho nó trở nên rối rắm hơn”. Nếu Kissinger chỉ nói câu này thôi  thì dư luận có thể xem ở một khía cạnh nào đó là vô hại, nhưng khi đọc tiếp bình luận của ông cho rằng, Trung Quốc và Mỹ nên “loại bỏ sự cấp bách của các cuộc tranh luận” về Biển Đông, hay nói như đầu đề bản tin của đài VOA: “Kissinger: Mỹ nên noi gương kiên nhẫn của Trung Quốc về vấn đề Biển Đông” thì lại tiềm ẩn nhiều chiến lược, càng cho thấy Kissinger đang đứng ở đâu trong vấn đề Biển Đông.

Việc ông Kissinger khuyên Mỹ và Trung Quốc giảm đối đầu ngay lập tức bị một số chuyên gia cho là nhằm tiếp tay cho Bắc Kinh khống chế toàn bộ Biển Đông.

Nhà phân tích Ấn Độ Subahash Kapila trên báo mạng Eurasia Review cho hay, căng thẳng hiện nay trên Biển Đông bắt nguồn từ chính các hành động leo thang của Trung Quốc nhằm xâm chiếm toàn bộ Biển Đông. Và  “chính những động thái gây mất ổn định của Trung Quốc tại vùng chiến lược quan trọng là Biển Đông đã thúc đẩy chính sách xoay trục của Mỹ qua châu Á - Thái Bình Dương”. Nhà phân tích Kapila không úp mở khi cho rằng, Kissinger nổi tiếng là một nhà ngoại giao Mỹ “biện hộ cho Trung Quốc” (!?).

Trong khi đó, chuyên gia Trang Gia Dĩnh, giảng viên ĐH Quốc gia Singapore, trả lời hãng Bloomberg tự hỏi: “Liệu Trung Quốc có sẵn sàng tự kiềm chế trong hành động bồi đắp đảo nhân tạo ở Biển Đông hay không?”. Câu hỏi này cũng được đặt ra cho các nước khác và trong bối cảnh đó, Mỹ có thể làm gì để “giảm nhiệt”. Tóm lại, theo chuyên gia này, việc giảm căng thẳng ở Biển Đông không đơn giản khi tham vọng độc chiếm khu vực này của Trung Quốc không thay đổi.

Việc vận động để Mỹ và Trung Quốc nhanh chóng “tháo ngòi nổ tranh luận” cho thấy, cựu Ngoại trưởng Kissinger đang báo động “người bạn tốt Trung Quốc” của ông rằng, Bắc Kinh có thể đi vào một bãi mìn chiến lược trong tranh chấp Biển Đông, giống như tới điểm giới hạn không xa nơi Mỹ có thể phải can thiệp hạn chế chống lại sự leo thang không kiềm chế về tham vọng của Bắc Kinh trong xung đột. Hay nói cách khác, Kissinger đang cố tìm cách bó tay Mỹ trong vấn đề đang sôi động ở Biển Đông do Bắc Kinh khấy động bởi mưu toan độc chiếm toàn bộ khu vực này.

Tuy nhiên, dư luận quốc tế đã nhanh chóng vạch trần cái lý lẽ mà Kissinger đang cố tình biện hộ cho chiến lược Biển Đông đầy tham vọng của Trung Quốc.

TUYẾT MINH

;
.
.
.
.
.