Trong hơn 10 năm qua, Trung Quốc đã dùng kinh tế để gia tăng ảnh hưởng ở nhiều khu vực khác nhau trên thế giới.
Điểm đáng chú ý gần đây là ngoài vấn đề tuyên bố chủ quyền theo bản đồ hình lưỡi bò, tiến hành các hoạt động bồi đắp nhân tạo các đảo chiếm trái phép của Việt Nam ở Biển Đông, Trung Quốc đang tập trung thiết lập một trụ cột chính là Pakistan nhằm củng cố ảnh hưởng tại khu vực Nam Á, nơi mà Mỹ và Ấn Độ cũng có những lợi ích chiến lược.
Ngày 20-4 vừa qua, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có chuyến công du Pakistan nhằm thúc đẩy hợp tác kinh tế, gia tăng viện trợ kinh tế và bán các thiết bị quân sự, kéo Islamabad trở thành trụ cột của chiến lược ảnh hưởng trong vùng sườn phía tây. Trong chuyến thăm này, Trung Quốc bán cho Pakistan 8 tàu ngầm lớp Nguyên 039C do nước này sản xuất. Ngoài ra, ông Tập Cận Bình cũng mang theo kế hoạch đầu tư trị giá 46 tỷ USD mà Pakistan hy vọng sẽ chấm dứt cuộc khủng hoảng năng lượng kéo dài và biến nước này thành trung tâm kinh tế khu vực.
Trung Quốc và Pakistan hiện có những tương đồng lợi ích giữa hai nước, đó là đang cùng chia sẻ mối dè chừng với Ấn Độ. Về mặt địa lý, Pakistan là cánh cửa có tầm chiến lược của Bắc Kinh để mở ra biển Arab, giúp Trung Quốc tiếp cận nguồn năng lượng ở Trung Đông, đỡ phải đi vòng qua tuyến đường Đông Nam Á.
Diễn biến đó cho thấy, Trung Quốc đang tập trung mọi nỗ lực lôi kéo Pakistan về mình nhằm 3 mục tiêu:
Một là, làm đối trọng trực tiếp với Ấn Độ, vì New Delhi và Islamabad là cựu thù của nhau trong nhiều thập niên qua xung quanh vấn đề tranh chấp lãnh thổ ở Kashmir. Đối với Trung Quốc, Ấn Độ cũng là vật cản trong việc mở rộng ảnh hưởng của Bắc Kinh ở khu vực Nam Á, Ấn Độ Dương và cả Biển Đông. Ngoài ra, giữa hai nước cũng có vấn đề tranh chấp biên giới và từng diễn ra các điểm nóng cận kề với chiến tranh.
Hai là, làm giảm thiểu ảnh hưởng của Mỹ ở khu vực này. Tuy Mỹ và Pakistan là đối tác chiến lược nhưng thực tế hai nước có nhiều bất đồng, thậm chí rất nghiêm trọng trong vấn đề chống khủng bố cũng như các giải quyết lực lượng Taliban ở Pakistan lẫn Afghanistan. Một khi Pakistan là đồng minh chiến lược toàn diện và sự phụ thuộc kinh tế với Trung Quốc tăng lên, thì Bắc Kinh đã đẩy tầm ảnh hưởng của Washington ra xa hơn.
Theo Trung tâm nghiên cứu Pew của Mỹ, có tới 78% dân Pakistan có cái nhìn tích cực đối với “người hàng xóm lớn” này. Trong khi đó, Mỹ cũng được xem là đối tác chiến lược của Pakistan nhưng chỉ có được hình ảnh tích cực ở 14% dân nước này.
Ba là, thiết lập hành lang kinh tế Trung Quốc - Pakistan gồm mạng lưới các tuyến đường bộ, đường sắt và các dự án năng lượng kết nối cảng nước sâu Gwadar ở tây nam Pakistan với khu tự trị Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, tây bắc Trung Quốc. Hành lang này là một phần trong kế hoạch của Trung Quốc nhằm hồi sinh “Con đường tơ lụa” thời xưa, nối châu Á với châu Âu thông qua các tuyến đường bộ và tuyến hàng hải, trong một nỗ lực nhằm phục hồi sự vinh quang của Trung Quốc từ thời nhà Hán. Đồng thời, Bắc Kinh thông qua đó để giải quyết “cơn khát” năng lượng ngày càng tăng nhanh của mình. Mặt khác, Trung Quốc khai thác những điểm yếu về kinh tế của các nước trong khu vực để tăng cường đầu tư, mở rộng hợp tác nhằm đưa công nghệ, hàng hóa của mình thâm nhập thị trường mới, từng bước chi phối nền kinh tế các nước ở khu vực Nam Á và cả Trung Á, vốn còn chậm phát triển.
TUYẾT MINH