.

Canh bạc nhiều rủi ro

.

Thủ tướng Anh David Cameron ngày 28-5 bắt đầu có chuyến công du chớp nhoáng trong 2 ngày đến các thủ đô của châu Âu, trong đó có Paris (Pháp) và Berlin (Đức), để thúc đẩy cải cách của Liên minh châu Âu (EU) trước khi diễn ra cuộc trưng cầu dân ý về việc xứ sở sương mù rời khỏi hay ở lại liên minh gồm 28 thành viên.

Theo đó, ông Cameron gặp gỡ hàng loạt nhà lãnh đạo như Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte, Tổng thống Pháp Francois Hollande, Thủ tướng Ba Lan Ewa Kopacz, Thủ tướng Đức Angela Merkel…

Song, theo AFP, xung quanh cuộc trưng cầu dân ý vào năm 2017 để giải bài toán nước Anh nên ra đi hay ở lại EU, ông Cameron phải đối mặt với nhiều thách thức.  

Câu hỏi được đặt ra cho cử tri Anh là: Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland có nên tiếp tục là thành viên EU hay không? Các cuộc thăm dò dư luận từ đầu năm đến nay cho thấy, tỷ lệ người dân Anh ủng hộ việc ở lại EU dao động trong khoảng 37-49% và tỷ lệ người muốn rút khỏi EU từ 34-44%. Quả thật, việc nước Anh đi hay ở lại EU là bài toán khó, mà theo Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius thì cuộc trưng cầu dân ý “đầy rủi ro” và “quá nguy hiểm”. “Người dân Anh từng nói rằng, châu Âu là điều tồi tệ, và ngày mà họ được bày tỏ ý kiến thì họ cũng sẽ có thể nói rằng châu Âu là điều tồi tệ”, ông Fabius nói. Tâm trạng của người Anh cũng dễ hiểu bởi cuộc khủng hoảng châu Âu đã khiến không ít nước phải thực hiện chính sách thắt lưng buộc bụng; nhiều nước không còn muốn thực hiện các nghĩa vụ trong liên minh, nhất là việc mở “hầu bao” với các nước đang rơi vào khủng hoảng.

Về cuộc trưng cầu dân ý, Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius đã ví von: Bạn không thể tham gia một câu lạc bộ bóng đá nhưng “đến giữa trận đấu thì quyết định rằng chúng tôi sẽ chơi bóng bầu dục”. Ông cũng cảnh báo rằng, nước Anh chắc chắn sẽ thiệt hại nếu từ bỏ EU, nhưng khối già cỗi này cũng chịu tổn thất không kém khi mất “một cường quốc quân sự, một cường quốc ngoại giao”.

Hạ viện Anh đang tranh cãi về dự luật trưng cầu dân ý. Còn ông Cameron hy vọng dự luật sẽ được Quốc hội nhanh chóng thông qua. Lý do mà Nhà số 10 phố Downing đưa ra là Luật Trưng cầu dân ý EU là một bước đi cụ thể, mở đường cho người dân Anh bày tỏ tiếng nói của mình lần đầu tiên trong hơn 40 năm tham gia EU. Đối với chính phủ Anh lúc này, câu hỏi đã rõ ràng và cử tri sẽ quyết định việc đi hay ở.

Thực tế, ông Cameron không muốn Anh rời khỏi EU. Vì vậy, nếu ông có thể khiến EU thay đổi một số điều khoản có lợi cho Anh thì cuộc trưng cầu ý dân vẫn sẽ diễn ra và kết quả Anh vẫn ở lại EU. Nhưng cuộc mặc cả giữa ông với các nước về những thỏa thuận có lợi nhất cho nước Anh sẽ không diễn ra suôn sẻ và nhanh chóng. Điều này chẳng khác gì một canh bạc, không chỉ với riêng nước Anh mà còn với cả khối EU. Bởi lẽ, nếu kết quả không phải là “ở lại”, nghĩa là ủng hộ Anh rời EU thì cũng kéo theo việc bỏ phiếu trưng cầu dân ý về độc lập của Scotland. Và như thế, ông Cameron sẽ không bảo đảm được sự vẹn toàn của Vương quốc Anh.

VĨNH AN

;
.
.
.
.
.