Quan sát & Bình luận

Đó là lịch sử

08:18, 14/05/2015 (GMT+7)

Một dấu ấn trong nền ngoại giao nuớc Mỹ vào cuối năm 2014, đầu năm 2015 là Washington tuyên bố bãi bỏ lệnh cấm vận chống Cuba kéo dài suốt 50 năm qua và có hàng loạt các động thái như: tiến hành hội đàm cấp cao về mở cửa sứ quán, thiết lập đường bay thẳng giữa hai nước, trao đổi mậu dịch, khai thác du lịch…

Không chậm chân, Liên minh châu Âu (EU) cũng nhanh chóng mở lại các cuộc đàm phán với Cuba để giải quyết những bất đồng tồn tại nhằm bình thường hóa quan hệ. Trong đó, nổi lên là Pháp, Tổng thống François Hollande, ngày 11-5 đã có chuyến công du được đánh giá là mang tính lịch sử tới Havana.

Kết quả đàm phán giữa Tổng thống Hollande với Chủ tịch Cuba Raul Castro cho thấy, ngoài những hợp đồng và thỏa thuận hợp tác trong các lĩnh vực giáo dục, văn hóa, du lịch, thăm dò và khai thác dầu khí…, chuyến đi của ông Hollande đã mang lại cho Pháp một đối tác đầy tiềm năng ở khu vực. Bởi lẽ, ngoài thị trường trong nước, Cuba có thể đóng vai trò cầu nối cho hàng hóa Pháp thâm nhập thị trường các nước Caribbe và Mỹ Latinh.

Bên cạnh đó, Tổng thống Hollande còn muốn tăng cường quan hệ đối tác giữa Paris và Havana, để nước Pháp đóng vai trò hàng đầu trong quan hệ giữa EU và Cuba.

Tuy nhiên, một sự kiện được dư luận quốc tế hết sức quan tâm là cuộc gặp trong 50 phút giữa Tổng thống Hollande với Fidel Castro, cha đẻ cuộc cách mạng Cuba. Sau cuộc gặp, Tổng thống Pháp tuyên bố: “Tôi muốn có thời điểm lịch sử này, bởi vì đó là lịch sử Cuba, đó là lịch sử thế giới” và bản thân Fidel Castro “là lịch sử”.

Về việc thực hiện chuyến thăm tới Cuba, ông Hollande nhấn mạnh: “Sẽ là một sai lầm nếu không thực hiện chuyến công du này. Tôi nghĩ rằng, tấm gương của tôi sẽ được noi theo và các bạn sẽ có nhiều khách mời tới thăm”.

Đánh giá về chuyến thăm, các phương tiện truyền thông Pháp đã có hàng loạt bài viết. AFP cho rằng, ông Hollande đã thành công và tạo tiếng vang lớn khi có cuộc gặp với cựu Chủ tịch Cuba Fidel Castro, “người cha” của cuộc cách mạng Cuba hiện 88 tuổi, từ lâu hiếm xuất hiện trước công chúng.

Trong khi đó, nhật báo Le Monde điểm lại những kết quả chính của chuyến thăm và dành nhiều nội dung mô tả về cuộc gặp giữa ông Hollande với ông Fidel Castro, coi đây là một thời khắc lịch sử. Tờ báo cũng nhắc lại lời ông Hollande rằng Fidel “vẫn thể hiện những suy nghĩ rất sâu sắc, nhạy bén và đầy trí thức”.

Có thể nói, chuyến thăm Cuba của ông Hollande là dấu ấn tiếp theo mà phương Tây không thể không hành động nhằm “phá băng” trong quan hệ với hòn đảo tự do này sau khi Washington đã “bật đèn xanh”. Hay nói cách khác, đây được coi là phát súng cho cuộc đua của các nước lớn đến cái đích là quốc đảo Caribbe.

Còn đối với Cuba, nước này cũng đang tăng tốc các hoạt động đối ngoại cấp cao thông qua các chuyến thăm, hội đàm của nhà lãnh đạo Raul Castro kể từ đầu năm 2015. Đặc biệt, khi thăm Ý, ông Raul Castro đã được nước chủ nhà đón tiếp với những nghi lễ trọng thể nhất. Thủ tướng Ý Matteo Renzi phát biểu: “Giờ đây, chúng tôi đã có thể bắt tay nhau và điều này cho thấy thế giới đang thay đổi. Trong dòng chảy của lịch sử, chúng tôi muốn cùng với nhau trở thành những người tiên phong trong một trang mới và chúng tôi tin tưởng rằng cùng với nhau, sẽ làm được nhiều điều”.

Đáp lại, Chủ tịch Raul Castro đánh giá rằng, quan hệ song phương Cuba - Ý là “hoàn hảo” và cho thấy một tương lai đầy hứa hẹn cho Rome và Havana đang được mở ra sau nhiều thập kỷ tranh cãi.

Điều đó đã thể hiện chính sách ngoại giao cởi mở, thân thiện và hòa nhập của Cuba trong quá trình tiến hành công cuộc đổi mới, xây dựng và phát triển đất nước trong giai đoạn hiện nay.

Từ những sự kiện trên, ta có thể nhất trí dùng ngôn từ của Tổng thống Pháp gọi chung đó “là lịch sử”!

TUYẾT MINH

.