Chưa bao giờ việc mua bán các thiết bị quân sự lại diễn ra phức tạp và gây tranh cãi như vụ tàu Mistral của Pháp bán cho Nga và hệ thống tên lửa phòng không S-300 của Nga bán cho Iran như hiện nay.
Trước hết là vụ tàu Mistral, năm 2011, Nga đặt Pháp đóng 2 chiếc với tổng giá trị gần 2 tỷ USD. Theo kế hoạch, chiếc đầu tiên sẽ đuợc giao cho Nga vào cuối năm 2014 và chiếc thứ hai vào năm 2015.
Thế nhưng, xung quanh cuộc khủng hoảng ở Ukraine, trước áp lực của Mỹ và các đồng minh, Pháp phải ngưng việc chuyển giao tàu Mistral cho Nga. Mátxcơva đã nhiều lần nhấn mạnh rằng, họ có thể chấp nhận cả hai điều kiện - hoặc nhận tàu, hoặc nhận tiền. Giới chức Nga đã nhiều lần khẳng định khả năng phòng thủ đất nước không bị ảnh hưởng bởi hợp đồng đổ vỡ này.
Tuy nhiên, theo thông tin mới nhất do Phó Chủ tịch Tổ hợp công nghiệp quân sự Nga (MIC) Oleg Bochkarev tiết lộ, Mátxcơva đã từ bỏ các tàu Mistral đặt Pháp đóng và sẽ chỉ thảo luận số tiền bồi thường. Như vậy, Pháp phải bồi thường và số tiền cụ thể đang được xem xét. Trong khi đó, 2 con tàu Mistral khó có thể bán lại cho quốc gia khác; thậm chí, nó phải bị đánh đắm để hủy bỏ. Tuy nhiên, báo Kommersant (Nga) bác bỏ thông tin này và cho biết, ông Bochkarev đã bị Phó Thủ tướng Dmitry Rogozin đích thân khiển trách vì “những tuyên bố không đúng với thực tế” và Nga chưa bao giờ chính thức từ bỏ thương vụ mua 2 tàu Mistral của Pháp.
Thực tế, Nga không xem việc Pháp không bàn giao tàu Mistral ảnh hưởng công tác phòng thủ đất nước. Tổng thống Nga Vladimir Putin từng tuyên bố: Mistral được đặt hàng chủ yếu để “ủng hộ các đối tác của chúng ta và bảo đảm hoạt động các xưởng đóng tàu của họ”.
Một thương vụ khác cũng liên quan tới Nga là việc nước này bán hệ thống tên lửa phòng không S-300 cho Iran. Các cuộc đàm phán về thỏa thuận chuyển giao S-300 bị đóng băng từ năm 2010, khi vấn đề hạt nhân của Iran trở nên căng thẳng. Các cường quốc cũng gây áp lực với Nga trong việc chuyển giao S-300 cho Iran. Mátxcơva đã có bước nhượng bộ và đã bị Tehran kiện ra trọng tài quốc tế vì vi phạm hợp đồng.
Thế nhưng, gần đây, tình hình quốc tế có nhiều chuyển biến nên Mátxcơva đã có những bước đi mạnh mẽ. Cụ thể là vào tháng trước, Tổng thống Putin đã ký lệnh hủy bỏ việc cấm cung cấp cho Iran hệ thống phòng thủ tên lửa hiện đại nói trên. Động thái này của Nga được xem là đòn tấn công nhằm vào phương Tây, nhằm đáp trả cách xử sự của của các quốc gia này đối với Mátxcơva trong thời gian qua.
Sự gia tăng cấm vận kinh tế, sức ép về an ninh từ Mỹ và các quốc gia châu Âu, đã buộc Mátxcơva phải mạnh mẽ hơn trong các hành động đáp trả để có lối thoát hữu hiệu.
Các nhà quan sát nhận định một khi Nga chuyển giao S-300 cho Iran sẽ tăng cường tiềm lực quân sự của quốc gia Hồi giáo này, đồng thời làm đồng minh số một của Mỹ ở Trung Đông là Israel lo ngại.
Có thể nói, hai thương vụ tàu Mistral và S-300 đều liên quan tới Nga. Một cái Nga có thể từ chối nhận nhưng không làm giảm sự phòng thủ đất nước mà lại làm đối tác lúng túng, thiệt hại; một cái Nga chuyển giao sức mạnh quân sự cho quốc gia khác, Mátxcơva được lợi nhưng lại làm phương Tây lo ngại. Đó cũng là điều đáng suy nghĩ lắm thay!
TUYẾT MINH