Quan hệ Nga - Mỹ và Nga - EU (Liên minh châu Âu) rơi vào băng giá kể từ khi bùng nổ cuộc nội chiến ở Ukraine và việc Crimea sát nhập vào Nga.
Với lý do Nga là tác nhân chính của hai vấn đề đó, Mỹ và EU tiến hành cấm vận kinh tế nhằm vào Nga và “đóng băng” hàng loạt quan hệ về chính trị, quân sự. Thậm chí, chuẩn bị kỷ niệm 70 năm Ngày chiến thắng chủ nghĩa phát-xít trong Thế chiến thứ hai, hàng loạt nhà lãnh đạo Mỹ, EU từ chối đến Nga dự lễ kỷ niệm.
Tuy nhiên, những sự kiện đó thực ra chỉ là mặt nổi “buộc phải bộc lộ” của “tảng băng chìm” mà Mỹ và EU toan tính nằm vào Nga trong nhiều thập niên qua. Chính sách hướng đông của Mỹ và EU đã triển khai trên nhiều phương diện từ việc thu nhận các nước Đông Âu và thuộc Liên Xô cũ làm thành viên EU, cho gia nhập khối NATO, đến mở rộng các căn cứ quân sự và thiết lập hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo… áp sát đường biên giới Nga cho thấy rõ những toan tính nhằm bao vây, cô lập Mátxcơva như thế nào.
Trong bộ phim tài liệu mới có tựa đề Tổng thống phát trên kênh truyền hình nhà nước Rossia-1 (Nga) nhân dịp 15 năm nắm quyền lãnh đạo nước Nga, Tổng thống Vladimir Putin đã không úp mở khi cho rằng, phương Tây chỉ “thân thiện” với Nga khi Mátxcơva chịu nép mình khuất phục. Bất kể khi nào Nga bước vào giai đoạn phát triển cả về kinh tế và ảnh hưởng chính trị, y như rằng phương Tây sẽ tìm cách “trừng phạt”. Theo ông, cấm vận mà Mỹ và phương Tây dựng lên chống Nga không khởi nguồn từ việc Crimea sáp nhập vào Nga, mà là âm mưu “nhằm kìm hãm sự phát triển của Nga và đó là chính sách mà chúng ta đã quá quen từ hàng thế kỷ nay”.
Ông Putin còn tiết lộ, tình báo Nga đã chặn các cuộc trao đổi giữa quân ly khai ở Bắc Caucasus với tình báo Mỹ đóng tại Azerbaijan trong những năm đầu thế kỷ 21. Nó cho thấy Washington đã “trợ giúp” quân ly khai ở Chechnya và các khu vực lân cận thuộc vùng Bắc Caucasus. Tại thời điểm đó, ông Putin đã nêu vấn đề với đồng cấp người Mỹ G.W.Bush và nhận được “cam kết” rằng, các viên chức tình báo kia sẽ bị “sa thải”. Tuy nhiên, cuối cùng Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB) nhận được một bức thư từ “những đối tác” Mỹ, viết rằng Washington có quyền “ủng hộ tất cả các lực lượng đối lập ở Nga”, trong đó có cả các phần tử hồi giáo cực đoan ở Caucasus (?!).
Bởi vậy, trong một bài viết đăng trên tờ Krasnaya Zvezda số ra ngày 6-5, Thư ký Hội đồng An ninh Liên bang Nga (RSC) Nikolay Patrushev cho biết, RSC đã đưa ra quyết định điều chỉnh chiến lược an ninh quốc gia đến năm 2020 và học thuyết an ninh thông tin của Nga. Ông Patrushev nêu rõ: “Trước hết, chiến lược an ninh quốc gia bắt buộc phải có sự điều chỉnh do những mối đe dọa quân sự mới nổi lên. Những dấu hiệu đó được phát hiện thấy trong những diễn biến từ phong trào Mùa xuân Arab, ở Syria và Iraq, tình hình ở trong và xung quanh Ukraine”.
Ngoài ra, ông Patrushev cho rằng, “Mỹ và NATO đang ngày càng gia tăng hành động gây hấn đối với Nga. Họ đang thiết lập tiềm lực tấn công trực tiếp áp sát biên giới của Nga và đang chủ động triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa toàn cầu”.
Sự điều chỉnh chiến lược an ninh quốc gia của Nga cả ngắn hạn lẫn dài hạn nhằm kịp thời ngăn chặn mưu toan của phương Tây đẩy nước Nga vào tình thế rối loạn và thay thế chính quyền do Tổng thống Putin lãnh đạo như họ đã từng làm ở một số nước.
Thực tế đó một lần nữa cho thấy, việc phương Tây cổ xúy cho các cuộc cách mạng màu dưới chiêu bài “dân chủ, nhân quyền” diễn ra ở một loạt các quốc đang ổn định trở nên bất ổn, thậm chí lâm vào nội chiến như Ukraine, Syria, Lybia… để cuối cùng họ đạt được mục tiêu lâu dài là nắm quyền chi phối chính phủ các quốc gia đó trong quỹ đạo của họ.
Đó cũng là bài học cảnh giác không thừa cho các quốc gia có chủ quyền!
TUYẾT MINH