Iran và nhóm P5+1 (gồm Anh, Pháp, Mỹ, Nga, Trung Quốc và Đức) đang nước vào chặng nước rút để hướng tới một thỏa thuận hạt nhân toàn diện với thời hạn cuối đặt ra là ngày 30-6.
Tuy nhiên, hy vọng đạt được thỏa thuận lịch sử rất đỗi mong manh và ngay cả Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cũng đã cảnh báo về nguy cơ thất bại.
Ông Kerry và Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif đều bắt đầu đến Áo vào hôm nay (26-6) để cùng bước vào vòng đàm phán quan trọng.
Thông điệp mà nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ đưa ra là Iran phải giải quyết tất cả vấn đề tồn tại, nếu không thì sẽ không có một thỏa thuận, nghĩa là Tehran phải thực hiện đầy đủ các biện pháp đã được thống nhất tại Lausanne (Thụy Sĩ) hồi tháng 4 vừa qua. Một số quan chức cho rằng, đàm phán sẽ phải được nới rộng thời gian, nhưng chỉ thêm một vài ngày.
Theo thỏa thuận sơ bộ đạt được ngày 2-4 tại thành phố Lausanne, Iran sẽ thu hẹp hoạt động làm giàu uranium của nước này và cho phép Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế (IAEA) thanh sát kỹ hơn.
Đổi lại, Liên Hợp Quốc và phương Tây phải dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt đối với quốc gia Trung Đông này. Song, 6 cường quốc vẫn khăng khăng rằng, sẽ áp đặt lại các biện pháp trừng phạt nếu Iran vi phạm thỏa thuận.
Giới quan sát gọi đây là thỏa thuận vô cùng phức tạp, bởi Iran và P5+1 muốn hướng đến thỏa thuận để xoa dịu quan ngại của quốc tế về việc Tehran đang tìm kiếm khả năng chế tạo vũ khí hạt nhân nhưng cả hai bên đều không có những động thái nhượng bộ cần thiết và vẫn còn quá nhiều điểm khác biệt. Phương Tây vẫn muốn không dỡ bỏ trừng phạt cho đến khi nào IAEA xác định Iran thật sự thực hiện những bước đi then chốt của thỏa thuận, điều mà Ngoại trưởng Kerry từng cảnh báo rằng sẽ mất từ 6 tháng đến 1 năm.
Còn Iran lại muốn các biện pháp trừng phạt phải được hủy bỏ ngay lập tức, như “giới hạn đỏ” mà lãnh đạo tối cao của Iran - Giáo chủ Ali Khamenei đã tuyên bố.
Hơn nữa, ông Khamenei từ chối cho phép các thanh sát viên Liên Hợp Quốc đến các cơ sở để thanh sát. Theo ông Khamenei mô tả, việc thanh sát là “không độc lập, cũng không công bằng”, nhưng nếu IAEA không được vào Iran thì đương nhiên sẽ chẳng có thỏa thuận cuối cùng nào giữa Iran với P5+1. ‘Thiện chí chính trị” dù có nhưng sẽ không thể bảo đảm được cho “những quyết định chính trị khó khăn” trong lúc này.
VĨNH AN