Từ khi Liên minh châu Âu (EU) được hình thành đến nay, tuy có những khó khăn phức tạp, nhưng chưa bao giờ phải đối diện với hai thách thức vô cùng nghiêm trọng diễn ra trong cùng một thời điểm, đó là: cuộc xung đột ở Ukraine và vấn đề nợ công của Hy Lạp.
Đối với vấn đề Ukraine, EU phải chịu hai sức ép mạnh mẽ là từ Mỹ - một đồng minh chiến lược; và Nga - một đối tác quan trọng và trực tiếp trên nhiều vấn đề, nhất là năng lượng.
Để giải cứu Ukraine thoát khỏi cuộc khủng hoảng, EU đã tìm mọi biện pháp để giúp Kiev cả về chính trị, quân sự lẫn ngoại giao… nhằm chống lại lực lượng ly khai ở miền đông. Ngoài ra, EU đã gia tăng các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga; cùng với Mỹ hình thành lực lượng phản ứng nhanh, các cuộc tập trận quy mô lớn và lập các căn cứ quân sự sát đường biên giới với Nga, để đối phó sự gia tăng quân sự từ Mátxcơva…
Cốt lõi của cuộc giải cứu cho Ukraine thoát khỏi khủng hoảng mà EU dựa vào là thỏa thuận Minsk. Với thỏa thuận này, Ukraine và EU có những điều gọi là “bất lợi” và “thua thiệt” nhưng đây là cách duy nhất trong lúc này. Đã nhiều lần thỏa thuận Minsk bị phá vỡ do các bên vi phạm, nhưng EU không thể làm khác hơn. Thậm chí, gần đây, EU hối thúc Kiev phải dành quy chế đặc biệt lâu dài cho khu vực đòi tự trị chứ không thể 3 năm, một yếu tố mà lực lượng ly khai ở miền đông đòi hỏi, nhằm thúc đẩy tiến trình đàm phán để đi đến chấm dứt cuộc xung đột vũ trang.
Đây là cuộc khủng hoảng gây cho EU nhiều vấn đề nan giải không chỉ về an ninh, hòa bình mà kinh tế cũng bị xáo trộn và thiệt hại nặng nề.
Trong khi vấn đề Ukraine vẫn còn là một mớ bòng bong, thì cuộc giải cứu nợ công cho Hy Lạp trở nên khốc liệt hơn bao giờ hết. Căng thẳng đạt tới đỉnh điểm khi Đức và các nước Bắc Âu muốn sửa sai lầm từ năm 2000 bằng cách để Hy Lạp ra khỏi khu vực đồng euro, đồng thời coi đây là bài học cho những nước có ý định không tôn trọng kỷ luật chung. Nhưng không ai dự đoán được các thị trường phản ứng ra sao trước việc khu vực đồng euro không đủ khả năng giải quyết một vấn đề của Hy Lạp chỉ chiếm 2% GDP của khối.
Theo các nhà quan sát, nếu không đạt thỏa thuận với các chủ nợ trước ngày 30-6, hạn chót cho chương trình trợ hỗ trợ tài chính của khu vực đồng euro, Hy Lạp sẽ không thể trả được cho Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) khoản nợ 1,6 tỷ euro cũng như 3,5 tỷ euro trái phiếu hiện do Ngân hàng châu Âu giữ đến hạn trả vào ngày 20-7.
Tệ hơn, Quỹ bình ổn châu Âu (MES) đòi Hy Lạp phải trả ngay 142 tỷ euro mà nước này đã vay trước đó. Hy Lạp vỡ nợ thì các quốc gia cho Hy Lạp vay riêng lẻ sẽ mất khoảng 53 tỷ, khu vực đồng euro cũng sẽ mất khoảng 300 tỷ euro. Các doanh nghiệp Hy Lạp vay vốn bằng đồng euro qua các ngân hàng nước ngoài cũng sẽ mất khả năng chi trả bằng đồng tiền chung châu Âu. Chính phủ Hy Lạp sẽ không thể tiếp cận được thị trường tài chính quốc tế vì còn ai dám cho một con nợ phá sản vay tiếp. Ra khỏi khu vực euro tức là phải in tiền mới và đồng tiền mới dựa trên một nền kinh tế như bây giờ của Hy Lạp thì chắc chắn sẽ lại rơi vào lạm phát mất giá nhanh chóng.
Một khi rời khỏi khu vực đồng euro, cũng có nghĩa phải rời khỏi EU, Hy Lạp sẽ mất rất nhiều ưu đãi của thị trường chung, trong đó có trợ giúp của ngân sách châu Âu.
Do vậy, đa số các nhà lãnh đạo châu Âu đều ý thức rằng việc Hy Lạp rút khỏi EU sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho khối đồng euro.
Tất nhiên, cuộc khủng hoảng tại Hy Lạp hiện nay không phải là trường hợp duy nhất mà EU đã trải qua. Cuối năm 2010 và đầu 2011, Ireland và Bồ Đào Nha cũng lần lượt trải qua thời kỳ này do ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng tài chính tại Mỹ. Nhưng tính chất cuộc khủng hoảng nợ công của Hy Lạp đặc biệt nghiêm trọng và một khi các nhà lãnh đạo EU không giải cứu được thì sự ra đi của Hy Lạp là tất yếu.
Oái ăm thay, trong bối cảnh hiện nay, một khi Hy Lạp nói lời chia tay khối đồng euro sẽ là cơ hội cho Nga nắm lấy một thành viên của EU. Đây là câu chuyện mà Mỹ và các nhà lãnh đạo EU không muốn.
Một câu hỏi lớn được dư luận quốc tế, nhất là các nước trong khu vực, đặt ra là các nhà lãnh đạo có đủ nhãn quan, quyết tâm và lòng tin để “giải cứu” thành công hai vấn đề nóng bỏng hiện nay đang diễn ra trên lục địa châu Âu già cỗi hay không?
TUYẾT MINH