.

Luận tội

Tình hình chính trị ở Thái Lan chưa có gì sáng sủa kể từ cuộc đảo chính quân sự lật đổ cựu Thủ tướng Yingluck Shinawatra hồi tháng 5-2014, đưa Tướng Prayuth Chan-ocha lên nắm quyền.

Trong đó, điều mà dư luận nước này hết sức quan ngại là chiến dịch luận tội nhằm vào hàng loạt chính trị gia, cả hành pháp lẫn lập pháp, dưới thời cựu Thủ tướng Yingluck.

Đầu năm 2015, Hội đồng Lập pháp quốc gia Thái Lan (NLA) theo yêu cầu của Ủy ban Chống tham nhũng quốc gia (NACC) đã bỏ phiếu thông qua quyết định luận tội đối với cựu Thủ tướng Yingluck Shinawatra và hai thành viên khác trong chính phủ của bà là cựu Chủ tịch Hạ viện Somsak Kiatsuranon và cựu Chủ tịch Thượng viện Nikhom Wairatpanich. Bà Yingluck đối mặt với cáo buộc xao nhãng trách nhiệm trong việc giám sát chương trình trợ giá gạo, gây thất thoát lớn cho đất nước. Trong khi đó, ông Nikhom và ông Somak bị cáo buộc sửa đổi điều lệ Hiến pháp năm 2007. Ngoài ra, NACC đang cân nhắc có thể cáo buộc cựu Thủ tướng thêm một số tội hình sự khác cũng liên quan đến chương trình này. Nếu bị buộc tội, bà Yingluck có thể bị cấm hoạt động chính trị trong 5 năm, thậm chí nhận mức án 10 năm tù giam.

Không dừng lại, NLA ấn định thời điểm tổ chức phiên luận tội đối với 248 cựu nghị sĩ Quốc hội vào ngày 26-6 tới. Theo Chủ tịch NLA Pornpetch Wichitcholchai, phiên luận tội các cựu nghị sĩ được tiến hành theo yêu cầu của NACC nhằm xác định vai trò của các chính trị gia này trong việc thông qua một điều khoản trong Hiến pháp, theo đó thay đổi thành phần của Thượng viện hồi tháng 9-2013. Điều khoản này sau đó đã bị Tòa án Hiến pháp Thái Lan phán quyết là vi hiến.

Ông Pornpetch cho biết, các cựu nghị sĩ trên được phép biện hộ theo nhóm hoặc cá nhân, và quá trình này sẽ mất khá nhiều thời gian. Nếu bị xác nhận có tội, các cựu nghị sĩ sẽ bị cấm tham gia chính trường trong vòng 5 năm.

Đầu tháng 3 vừa qua, 38 thượng nghị sĩ cũng đối mặt với cáo buộc tương tự nhưng không bị luận tội do NLA không nhận được đa số phiếu tán thành.

Có thể nói, những động thái trên được giới quan sát chính trị xem là chiến dịch “luận tội” trên quy mô rộng lớn nhằm vào cựu Thủ tướng Yingluck Shinawatra, cựu Chủ tịch Hạ viện Somsak Kiatsuranon, cựu Chủ tịch Thượng viện Nikhom Wairatpanich và nay tiếp tục tới 250 cựu nghị sĩ là điều hiếm có trên chính trường của một quốc gia.

Để tạo hành lang thuận lợi cho quá trình luận tội, tình trạng thiết quân luật mà quân đội ban hành trước khi đảo chính sẽ không được dỡ bỏ trong tương lai gần. Trước đó, chính quyền quân sự từng cam kết sẽ dỡ bỏ thiết quân luật tại một số tỉnh để hỗ trợ ngành du lịch vốn gặp khó khăn kể từ sau đảo chính.

Thủ tướng Prayuth Chan-ocha, từng ám chỉ về cuộc bầu cử sẽ được tổ chức vào cuối năm 2015, mới đây cũng tuyên bố hoãn lại đến năm 2016, bởi muốn dành một năm để thúc đẩy cải tổ, chấm dứt ảnh hưởng chính trị của cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra (?!).

Trong một diễn biến liên quan, Bộ Ngoại giao Thái Lan thông báo đã hủy hộ chiếu của ông Thaksin, có hiệu lực từ ngày 26-5, vì cho rằng ông Thaksin “gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia”. Còn bà Yingluck bị cấm xuất cảnh ra nước ngoài.

Theo các nhà quan sát, hành động nói trên của NLA và NACC nhằm truy tận gốc những vấn đề còn sót lại của lực lượng trung thành và ủng hộ dòng họ Shinawatra, cụ thể là ông Thaksin và bà Yingluck. Đấy cũng là mong muốn của chính quyền do Thủ tướng Chan-ocha đứng đầu.

Song, vấn đề đặt ra là liệu NLA và NACC và ông Chan-ocha có làm được hay không, khi không khí chính trị ở Thái Lan đang căng thẳng và tiếp tục nhuốm màu chia rẽ giữa các phe ủng hộ và chống đối bà Yingluck, cũng như toàn bộ gia đình Shinawatra, vốn còn ảnh hưởng rất mạnh tại Thái Lan, nhất là miền Bắc nước này.

Cho nên, việc “luận tội” nhằm vào hàng trăm chính trị gia từng có ảnh hưởng trên chính trường sẽ không thể ngày một ngày hai để xóa tận gốc những mâu thuẫn sâu sắc. Đôi khi ngay tại diễn đàn các phiên luận tội là cơ hội cho những người bị cáo buộc công khai bày tỏ quan điểm và hành động thu hút sự ủng hộ của công chúng. Và đó là mối bất lợi cho những người nắm quyền hiện tại.

TUYẾT MINH

;
.
.
.
.
.