.

Ranh giới mong manh

.

Xét trên nhiều phương diện, quan hệ Nga với Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) chưa đổ vỡ hoàn toàn sau cuộc khủng hoảng Ukraine.

Nhưng một khi NATO gia tăng các cuộc tập trận, bố trí quân đội sát đường biên giới Nga; đặc biệt, gần đây Mỹ tuyên bố sẽ đưa các loại vũ khí hạng nặng vào các nước như Ba Lan, Lithuania… đã gây nên mối lo ngại cho Mátxcơva.

Theo báo New York Times: “Những vũ khí được đề xuất triển khai sẵn này sẽ được đặt tại các căn cứ của đồng minh và đủ để trang bị cho một lữ đoàn từ 3.000-5.000 quân. Chúng tương tự với số vũ khí mà Mỹ đã duy trì tại Kuwait trong hơn 10 năm sau khi Iraq xâm lược nước này vào những năm 1990”.
Hành động đó của Mỹ sẽ dẫn đến việc phá vỡ hoàn toàn điều khoản chính yếu của Hiệp ước cơ sở Nga - NATO, được ký năm 1997. Theo đó, NATO cam kết không bố trí thường xuyên các lực lượng lớn trên lãnh thổ các quốc gia Đông Âu.

Các nhà quan sát nhận định: Kế hoạch này của Mỹ sẽ làm gia tăng sự đối đầu giữa Nga và khối NATO, đẩy Nga vào tình thế buộc phải tăng cường lực lượng quân sự của mình ở khu vực phía tây, dẫn đến sự leo thang đối đầu không chỉ về mặt chính trị mà còn quân sự giữa Liên bang Nga và NATO.  

Quan chức Bộ Quốc phòng Nga - Tướng Yuri Yakubov - tuyên bố, việc Mỹ đưa khí tài quân sự hạng nặng đến các quốc gia Baltic và Đông Âu sẽ là “bước đi hung hăng nhất của Lầu Năm Góc và NATO” kể từ sau Chiến tranh Lạnh. Tướng Yakubov cũng nói rằng, Nga sẽ không còn sự lựa chọn nào khác ngoài việc tăng cường binh sĩ và các lực lượng của mình ở sườn phía tây.

Trong khi đó, Tổng thống Putin nhấn mạnh: “Nếu có ai đó đe dọa các vùng lãnh thổ của chúng tôi thì Nga sẽ buộc phải điều các lực lượng vũ trang và hỏa lực tấn công hiện đại tới những khu vực này. Chính NATO đang tiến gần tới khu vực biên giới của chúng tôi, trong khi chúng tôi không di chuyển tới đâu”. Trước đó, ông Putin tuyên bố năm nay Nga sẽ bổ sung thêm 40 tên lửa đạn đạo liên lục địa mới cho kho vũ khí hạt nhân của nước ông. Điều này, minh chứng mục tiêu giảm kho vũ khí hạt nhân mà Mỹ và Nga từng cam kết có nguy cơ tan vỡ, đồng thời làm dấy lên mối lo ngại đáng kể của phương Tây. Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cho rằng, tuyên bố của Tổng thống Putin có thể chỉ có ý nghĩa hình thức. Song, ông Kerry khẳng định “không ai muốn nghe những tuyên bố kiểu này từ lãnh đạo của một cường quốc và không ai là không quan ngại về các hàm ý của tuyên bố đó”.

Trong một diễn biến liên quan, các nhà khoa học từ Trung tâm Chatham House của Anh kết luận rằng, châu Âu sẽ mất cân bằng nếu phương Tây không đáp ứng đầy đủ “hành động của Nga” và cuộc xung đột ở Ukraine sẽ là một yếu tố quyết định cho nền an ninh của châu Âu trong nhiều năm tới. Nếu sự ổn định kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, NATO và EU có thể sụp đổ. Và nếu một cuộc chiến lớn nổ ra ở châu Âu, Nga có thể sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật. “Có lẽ các chuyên gia phương Tây rất khó để tưởng tượng một cái gì đó, nhưng không có nghĩa rằng, Nga không coi đó là điều có thể”, báo cáo của các nhà khoa học từ Trung tâm Chatham House cho biết.

Những động thái trên cho thấy, có một ranh giới rất mỏng manh giữa bao vây và cấm vận với hợp tác và phát triển, giữa chiến tranh và hòa bình. Nếu các bên có liên quan không tỉnh táo giải quyết thỏa đáng các quyền lợi của nhau thì nguy cơ chiến tranh, thậm chí có sự kích hoạt kho vũ khí hạt nhân, là điều khó tránh khỏi.

TUYẾT MINH

;
.
.
.
.
.