.

Dịch bệnh thời hội nhập

Khi xu hướng hội nhập và toàn cầu hóa ngày càng cao thì sự tự vệ của mỗi quốc gia trước tình trạng lây lan bệnh tật, nhất là những căn bệnh gây chết người hàng loạt, càng trở nên cấp bách hơn bao giờ hết.

Nếu không có biện pháp ngăn chặn hữu hiệu ở mỗi người, mỗi cộng đồng dân cư, cả ở tầm quốc gia, quốc tế thì sẽ gây những thiệt hại khó lường về con người và nền kinh tế.

Ngoài đại dịch HIV/AIDS, vài năm trở lại đây, một số căn bệnh gây chết người nghiêm trọng bùng phát như dịch bệnh Ebola, Hội chứng hô hấp vùng Trung Đông (MERS)… đã trở thành vấn đề nóng bỏng. Không chỉ những quốc gia trong tâm dịch bệnh mà cộng đồng quốc tế cũng hết sức lo ngại…

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), dịch bệnh Ebola bùng phát tại Tây Phi từ đầu năm 2014, chủ yếu tại các nước Guinea, Liberia và Sierra Leone, đã khiến hơn 24.000 người bị nhiễm bệnh, trong đó gần 10.000 người tử vong.

Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) nhận định rằng, không chỉ các nước bị dịch Ebola hoành hành như Guinea, Liberia và Sierra Leone phải gánh chịu thiệt hại to lớn về kinh tế, mà toàn khu vực Tây Phi và nhiều quốc gia khác nằm ngoài vùng này cũng thiệt hại không nhỏ.

Việc dịch bệnh lây truyền với tốc độ quá nhanh và kéo dài trong nhiều tháng đã khiến các nước trong vùng phải đóng cửa biên giới thời gian khá dài; hàng nghìn chuyến bay đến bị hủy bỏ; hoạt động du lịch hầu như bị đóng băng, trong khi các hoạt động thương mại, đầu tư... cũng ngưng trệ.

Theo ước tính chưa đầy đủ, trong giai đoạn 2014-2017, hằng năm, mỗi quốc gia từng bị dịch Ebola hoành hành kể trên thiệt hại khoảng 3,6 tỷ USD, trong khi các nước khác trong khu vực cũng bị mất trắng hàng tỷ USD. Tính tổng thể, thu nhập của mỗi người dân khu vực này trong giai đoạn 2015-2017 sẽ bị mất 18 USD mỗi năm.

Ngoài ra, Ebola còn tác động mạnh vào lĩnh vực phát triển con người tại khu vực rộng lớn của “lục địa đen”. UNDP cho biết, ngay cả các nước không bị dịch bệnh Ebola hoành hành trong thời gian qua như Senegal và Côte d’Ivoire... đã bắt đầu xuất hiện dấu hiệu của nạn đói. An ninh lương thực cũng đã trở nên rất cấp bách tại các nước Mali và Guinea-Bissau, tất cả đều bắt nguồn từ hậu quả của dịch Ebola.

Trong khi đó, MERS bùng phát tại Hàn Quốc mới đây đã gây thiệt hại nghiêm trong cho nước này. Kể từ khi xuất hiện ca nhiễm MERS đầu tiên tại Hàn Quốc vào ngày 20-5, dịch bệnh đã cướp đi sinh mạng của 36 người, gây hoang mang, lo sợ trong nước và khiến các hãng du lịch nước ngoài hủy tour hàng loạt. Các quan chức Hàn Quốc cảnh báo ngành du lịch đối mặt với nhiều thách thức nghiêm trọng và có thể thất thu tới gần 10 tỷ USD.

Không những vậy, các nước trong khu vực cũng bị tác động mạnh mẽ do số người Hàn Quốc đi du lịch sụt giảm, giao lưu thương mại bị ảnh hưởng, chi phi cho các hoạt động y tế tăng cao.

Trước những diễn biến của Ebola, MERS, Việt Nam đã làm tốt công tác phòng ngừa, không để dịch xâm nhập. Song, ngoài những dịch bệnh này, Việt Nam đang đứng trước sự đe dọa của 3 loại dịch cúm nguy hiểm (H5N1, H1N1 và H7N9), nếu lây sang người thì chưa có vắc-xin phòng bệnh, cũng chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Đây là những loại cúm nguy hiểm, tỷ lệ tử vong lên đến 50%, thậm chí có thời điểm lên đến 100%.

Một khi xu hướng hội nhập tăng cao thì sự đề kháng của mỗi quốc gia trước những thách thức về kinh tế - xã hội nói chung, dịch bệnh nói riêng càng phải được đặc biệt quan tâm. Môi trường sống an toàn, ngăn ngừa hiệu quả các loại dịch bệnh là nhân tố quan trọng để góp phần vào sự phát triển đất nước nhanh chóng và bền vững.

TUYẾT MINH

;
.
.
.
.
.