Nhìn lại chặng đường quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ trải qua những chặng đường từ bi kịch, đau thương, đến sự băn khoăn, trắc ẩn, rồi bình thường hóa và nâng tầm quan hệ với một chu kỳ lặp lại trong khoảng 20 năm rất thú vị.
Mở đầu là cuộc chiến tranh ở Việt Nam với sự tham gia của quân đội Mỹ kéo dài suốt 20 năm ròng rã đã kết thúc vào năm 1975. Rồi vượt qua chặng đường 20 năm sau đó đầy chông gai, trắc trở mang đậm dấu ấn “chiến tranh” từ cả đôi bên, để hai cựu thù chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao vào ngày 11-7-1995, tạo ra bước ngoặt lịch sử đưa quan hệ hai nước phát triển nhanh và thực chất; đưa Việt Nam và Hoa Kỳ trở thành những đối tác của nhau, góp phần xoa dịu nỗi đau chiến tranh ở cả hai nước, phục vụ thiết thực cho lợi ích của nhân dân hai nước và hòa bình, ổn định tại khu vực cũng như thế giới.
Đến hôm nay, từ ngày 6-7 đến 11-7, cũng sau 20 năm bình thường hóa quan hệ, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng đã thực hiện chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ. Chuyến thăm được dư luận trong nước và quốc tế quan tâm, đánh giá là bước ngoặt lịch sử đầy ấn tượng.
Trong 20 năm qua, quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ có những bước tiến triển nhanh chóng, tích cực, trên nhiều lĩnh vực, cả về chính trị - kinh tế, quốc phòng - an ninh, lẫn văn hóa - xã hội. Dù xa cách nhau về địa lý và có những khác biệt, dù trải qua những trang đau buồn trong quá khứ, nhưng với tinh thần gác lại quá khứ, hướng tới tương lai, Việt Nam và Hoa Kỳ vẫn có thể cùng nhau xây dựng mối quan hệ đối tác toàn diện, trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau, bình đẳng, cùng có lợi.
Việc trao đổi các chuyến thăm cấp cao như các Thủ tướng Phan Văn Khải và Nguyễn Tấn Dũng, các Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết và Trương Tấn Sang đến Hoa Kỳ; hay của các Tổng thống Bill Clinton và G.W.Bush đến Việt Nam và những tiếp xúc cấp cao thường xuyên tại các diễn đàn đa phương, đã góp phần quan trọng vào việc tăng cường sự hiểu biết và xây dựng lòng tin giữa hai bên.
Chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng theo lời mời của Chính phủ Hoa Kỳ mang biểu tượng đặc biệt, bởi lần đầu tiên người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam thực hiện một chuyến thăm chính thức đến Hợp chủng quốc Hoa Kỳ. Điều này thể hiện sự tôn trọng của Hoa Kỳ đối với thể chế chính trị của Việt Nam trong quan hệ hợp tác. Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama đã phát biểu sau cuộc hội đàm với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại phòng Bầu dục ở Nhà Trắng ngày 7-7: “Hai bên xây dựng một mối quan hệ trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau”.
Với tinh thần đó, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Barack Obama đã trao đổi, nhất trí về các định hướng lớn nhằm phát triển quan hệ song phương, làm sâu sắc và phong phú thêm quan hệ đối tác toàn diện trong thời gian tới như: tăng cường trao đổi, tiếp xúc cấp cao, mở rộng các cơ chế tham vấn giữa hai nước về các vấn đề cùng quan tâm; đẩy mạnh hợp tác kinh tế - thương mại - đầu tư làm nền tảng và động lực cho quan hệ song phương; tiếp tục đẩy mạnh hợp tác khoa học, giáo dục, y tế và môi trường; thúc đẩy hợp tác về quốc phòng - an ninh, trong đó có việc triển khai hiệu quả Tầm nhìn chung về quan hệ quốc phòng; tăng cường giao lưu nhân dân, hợp tác nhân đạo, khắc phục hậu quả chiến tranh; tiếp tục hợp tác sâu rộng, thực chất hơn nữa trên các cơ chế và diễn đàn đa phương nhằm đóng góp tích cực cho hòa bình, an ninh, ổn định, phát triển bền vững trên thế giới, trong đó có vấn đề chống khủng bố, an ninh, an toàn hàng hải, an ninh mạng, đối phó với dịch bệnh và biến đổi khí hậu…
Chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tới Hoa Kỳ đã tô đậm những thành tựu quan hệ giữa hai nước trong thời gian qua. Quan trọng hơn, đó sẽ là dấu mốc góp phần mở ra những thay đổi tích cực hơn vì lợi ích của mỗi quốc gia, dân tộc; đồng thời góp phần vì hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển ở khu vực và trên thế giới. Mặt khác, chuyến thăm một lần nữa thể hiện đường lối đối ngoại nhất quán của Đảng, Nhà nước Việt Nam, đó là độc lập tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, là bạn và đối tác tin cậy của các nước trên thế giới, vì hòa bình, độc lập và phát triển bền vững; qua đó góp phần tăng cường vai trò, vị thế Việt Nam trên trường quốc tế, khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Đánh giá về chuyến thăm, các nhà quan sát quốc tế cho rằng, đó là hình mẫu hiếm có của hai quốc gia từng là cựu thù của nhau trong cuộc chiến tranh lâu dài và khốc liệt nhất, kể từ sau Thế chiến thứ hai đến nay.
Điều đó càng cho thấy, với tinh thần gác lại quá khứ, hướng tới tương lai, hai nước đang hành động theo nhận thức chung: hai dân tộc, độc lập, tôn trọng thể chế chính trị, hợp tác với tư cách là đối tác của nhau khi có lợi ích tương đồng.
Nói cách khác nhưng giàu hình ảnh như phát biểu của cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton tại Trường Đại học Ngoại thương Hà Nội nhân chuyến thăm Việt Nam lần thứ hai (năm 2010) khi nói về quyết định của hai nước Việt Nam, Hoa Kỳ chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao, đó là “chiến thắng của tính nhân văn chung giữa chúng ta vượt lên những khác biệt thú vị giữa chúng ta, chiến thắng của hòa giải vượt lên trên buộc tội lẫn nhau, chiến thắng của ngày mai vượt lên ngày hôm qua”!
Tất nhiên, để có được những kết quả như ngày hôm nay là cả quá trình nỗ lực không ngừng từ hai phía. Nhưng để biến mục tiêu mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Barack Obama đã thống nhất đặt ra thành hiện thực cũng còn rất nhiều việc mà hai nước phải hành động.
Từ những hoạt động thực tiễn đầy sinh động đó, chúng ta có quyền tin tưởng quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ sẽ không ngừng phát triển lên một tầm cao mới như các mục tiêu trong Tuyên bố chung ngày 7-7-2015.
LÊ MINH HÙNG