.

Khởi đầu một hướng đi mới

Con số 13 không phải là điềm xấu như mọi người thường nói, bởi nó vừa mang lại điều tốt lành cho thế giới, khi Iran và nhóm P5+1 (gồm Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Đức) đạt được thỏa thuận lịch sử, chấm dứt 13 năm căng thẳng xung quanh chương trình hạt nhân của Tehran.

Vấn đề hạt nhân của Iran là một trong những điểm nóng bỏng trong tiến trình hòa bình Trung Đông và thế giới gần 20 năm qua. Khi vấn đề hạt nhân của Iran được đặt lên bàn nghị sự của Liên Hợp Quốc, đã xảy ra những tranh cãi vô cùng gay gắt, một bên là chọn con đường ngoại giao thông qua đàm phán, một bên - nhất là Mỹ cùng các đồng minh - thiên về giải pháp quân sự.

Bởi vậy, vấn đề hạt nhân của Iran đã qua có hai lối đi song trùng là tìm cách đưa các bên liên quan ngồi vào bàn đàm phán để tìm ra giải pháp chính trị; một bên khác là thúc đẩy các biện pháp trừng phạt kinh tế và đe dọa tấn công quân sự. Việc tháo gỡ khủng hoảng thông qua đàm phán là một thắng lợi to lớn của xu hướng hòa bình và phát triển.

Trước hết, điều đó cho thấy, chiến tranh, xung đột vũ trang không phải là cách hành xử duy nhất để giải quyết các bất đồng. Hơn thế, nó cũng không phải là lối hành xử mang tính nhân văn vì chiến tranh, xung đột vũ trang chỉ gây thêm đau thương, chết chóc; làm cuộc sống của con người bất an và oán hận càng tăng lên gấp bội.

Vì vậy, dù vấn đề gai góc đến mấy nhưng nếu các bên liên quan chọn con đường đối thoại, đàm phán với tinh thần thiện chí, lắng nghe ý kiến của nhau để tìm ra những nét tương đồng, từng bước xây dựng lòng tin cũng như các biện pháp giám sát thì sẽ hóa giải mọi nghi ngờ, nhất định đạt được những kết quả có thể chấp nhận được.

Thứ hai, Iran có những chuyển biến thật sự, nhất là khi ông Rouhani nắm quyền lãnh đạo đất nước. Ông Rouhani với xu hướng ôn hòa, muốn nhanh chóng hành động tìm lối thoát cho Iran trước sự bao vây cấm vận của quốc tế. Khi thỏa thuận đạt được ở Lausanne (Thụy Sĩ), người dân Iran đã mở những cuộc ăn mừng thâu đêm và Ngoại trưởng Mohammad Zarif trở về từ Lausanne được chào đón như một người hùng.

Trong khi đó, phần còn lại của thế giới cũng tỏ ra phấn khích không kém. Bởi lẽ, thỏa thuận Lausanne là kết quả của sự kiên trì mục tiêu phi hạt nhân hóa Iran, tránh cho Trung Đông cuộc chạy đua hạt nhân nếu Tehran sản xuất vũ khí hạt nhân. Đồng thời, nó sẽ tác động đến quá trình đàm phán phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên.

Mặt khác, thỏa thuận Lausanne và việc cải thiện quan hệ với Iran cho thấy một trong những bước đi thể hiện sự điều chỉnh tư duy chính sách đối ngoại của Mỹ trong 2 năm cuối nhiệm kỳ của Tổng thống Obama. Không cần đến chiến tranh mà giải quyết được một vấn đề khá gai góc là sự thành công lớn trong hai nhiệm kỳ của ông. Người đứng đầu Nhà Trắng đã khẳng định: “Nước Mỹ, cùng với các đồng minh và đối tác của mình đã đạt được một thỏa thuận lịch sử với Iran; mà nếu thỏa thuận này được thực hiện triệt để sẽ ngăn chặn Iran sở hữu vũ khí hạt nhân. Tôi tin tưởng rằng, nếu thỏa thuận khung này dẫn đến một sự thỏa hiệp toàn diện sẽ khiến nước Mỹ, các đồng minh và thế giới trở nên an toàn hơn”.

Tất nhiên, thỏa thuận Lausanne là bước khởi đầu cho hướng đi mới giữa Iran với phần còn lại của thế giới, nhưng nó cũng cho thấy cánh cửa hòa bình, hợp tác và phát triển đã rộng mở. Câu hỏi còn lại là các bên liên quan hành động ra sao để thỏa thuận Lausanne đi vào thực tiễn nhanh chóng và hiệu quả nhất.

TUYẾT MINH

;
.
.
.
.
.