Quan sát & Bình luận
Sóng gió trong đảng cầm quyền ở Hy Lạp
Chấp nhận các điều kiện ngặt nghèo của châu Âu để có được gói cứu trợ thứ ba trị giá 86 tỷ euro, Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras đối mặt với sự phản đối quyết liệt từ đảng Syriza của ông.
Các chính sách “thắt lưng buộc bụng” do Thủ tướng Alexis Tsipras đưa ra sẽ được Quốc hội Hy Lạp bàn thảo và quyết định vào tối 15-7, trong đó có việc cắt giảm lương hưu, tăng thuế giá trị gia tăng, cắt giảm chi tiêu, bán 50 tỷ euro tài sản quốc gia… Cuộc đàm phán marathon của khối các nước sử dụng đồng tiền chung châu Âu (eurozone) kết thúc vào sáng 13-7 đặt ông Tsipras vào tình thế khó khăn: hoặc đồng ý thỏa thuận, hoặc phải chứng kiến các ngân hàng sụp đổ và Athens rời eurozone. Song, một thỏa thuận mới với các điều kiện ràng buộc ngặt nghèo không mang lại cho nhà lãnh đạo cánh tả này niềm vui, bởi trước mắt ông là sự chia rẽ của các nhà lập pháp ở trong nước, tương lai của chính phủ cũng mong manh nếu các nghị sĩ thuộc đảng cầm quyền từ chức để công khai phản đối thỏa thuận.
Hãng AP cho biết, Bộ trưởng Năng lượng Hy Lạp Panagiotis Lafazanis, một trong những người có quan điểm cứng rắn trong đảng Syriza, chỉ trích thỏa thuận và kêu gọi Thủ tướng Tsipras hủy thỏa thuận này. “Thỏa thuận là không thể chấp nhận được”, ông Lafazanis tuyên bố trên trang web của Bộ Năng lượng. Ông cho rằng, Đức đã đối xử với Hy Lạp “như thể Athens là thuộc địa”… Cùng quan điểm này, Bộ trưởng Quốc phòng Panos Kammenos, lãnh đạo đảng Hy Lạp độc lập - đối tác liên minh của chính phủ, nhận định sức ép đối với Hy Lạp tại Hội nghị thượng đỉnh ở Brussels (Bỉ) vừa qua là một nỗ lực phế truất chính phủ. Thậm chí, phát biểu với báo giới bên ngoài trụ sở Quốc hội, ông gọi đó là “một cuộc đảo chính”, “một cuộc đảo chính ở trung tâm châu Âu”. “Họ muốn chính phủ sụp đổ và thay thế bằng một chính phủ không do người Hy Lạp bầu”, Bộ trưởng Quốc phòng Kammenos nói.
Ông Kammenos cho hay, đảng Hy Lạp độc lập sẽ tiếp tục ủng hộ chính phủ và Thủ tướng Tsipras nhưng sẽ chỉ bỏ phiếu cho những giải pháp được đưa ra trước đó. Người phát ngôn Terence Quick nói rằng, 13 nghị sĩ thuộc đảng Hy Lạp độc lập sẽ bỏ phiếu “theo lương tâm của họ”. Hiện chính phủ chiếm giữ 162 ghế trong Quốc hội gồm 300 ghế và dự luật sẽ được thông qua khi có sự ủng hộ của hầu hết các đảng đối lập. Song, khoảng 30 nghị sĩ của đảng Syriza cầm quyền hiện công khai phản đối, điều này làm gia tăng quan ngại về sự ổn định của chính phủ và triển vọng một cuộc bầu cử sớm. Chủ tịch Quốc hội Hy Lạp Zoe Constantinopoulou cũng chỉ trích ông Tsipras và đe dọa sẽ dựng các rào chắn ở Quốc hội để cản trở gói cải cách mới.
Theo Reuters, ông Tsipras có thể sẽ sa thải Bộ trưởng Năng lượng Panagiotis Lafazanis và Thứ trưởng Lao động Dimistris Stratoulis vì phản đối gói cứu trợ. Các nhà quan sát cũng cho rằng, ông Tsipras sẽ sa thải các bộ trưởng “nổi loạn” trong đảng cầm quyền để bảo đảm gói cứu trợ được thông qua.
Kể từ khi đảm nhiệm chức Thủ tướng vào tháng 1-2015, ông Tsipras đối mặt với áp lực lớn về việc phải thực hiện lời hứa kết thúc chính sách “thắt lưng buộc bụng”. Cử tri Hy Lạp đã quá mệt mỏi và chán nản với 5 năm thực hiện “thắt lưng buộc bụng”, kéo theo nền kinh tế sụt giảm và tỷ lệ thất nghiệp gia tăng. Đành rằng Thủ tướng Tsipras không có nhiều sự lựa chọn, ngoài gói cứu trợ thứ ba cung cấp cho Hy Lạp 86 tỷ euro, giữ Athens ở lại eurozone, nhưng sự “đầu hàng” của ông trước châu Âu đang làm nhiều người dân Athens thất vọng.
PHÚC NGUYÊN