Quan sát & Bình luận
Về bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông
Tình hình ở Biển Đông tiếp tục gia tăng căng thẳng do hành động bồi lấp, xây dựng trái phép của Trung Quốc trên các hòn đảo và bãi rạn san hô thuộc chủ quyền của Việt Nam mà họ cưỡng chiếm trước đây.
Những việc làm phi pháp đó của Trung Quốc đã bị Việt Nam cực lực phản đối và dư luận quốc tế lên án mạnh mẽ, đòi Bắc Kinh chấm dứt ngay lập tức. Tại Đức, các nhà lãnh đạo nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G7) đã ra tuyên bố chung bày tỏ quan ngại về những diễn biến căng thẳng trên Biển Đông và Biển Hoa Đông, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giải quyết xung đột một cách hòa bình, cũng như đảm bảo tự do hàng hải và khai thác kinh tế biển hợp pháp.
Một trong những giải pháp để ngăn chặn hành động leo thang, gây phức tạp, ảnh hưởng đến an ninh và tự do hàng hải là phải nhanh chóng đàm phán xây dựng Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) mà Việt Nam và các nước ASEAN nhiều lần đề nghị. Văn bản này sẽ là công cụ mang tính ràng buộc pháp lý để các bên liên quan có thể sử dụng nhằm giải quyết những tranh chấp hiện nay.
Thế nhưng, đối với tất cả các cuộc đàm phán khi đề cập về COC, Bắc Kinh đã thẳng thừng chối bỏ.
Phản ứng trước thái độ vô trách nhiệm đó, Thứ trưởng Ngoại giao Philippines Laura del Rosario từng ám chỉ Trung Quốc với tuyên bố: “Chúng tôi bàn thảo về COC đã 7-8 năm nhưng chưa có tiến triển. Đã có những hành động khiêu khích khiến quá trình này bị trì hoãn”.
Khi bị dư luận quốc tế lên án mạnh mẽ các hành động trì hoãn của Trung Quốc, nước này lại nói rằng họ quan ngại về những vi phạm đối với DOC, nhưng đều bị các nước ASEAN có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông bác bỏ. Để xoa dịu dư luận, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh ngày 19-6-2014 tuyên bố Bắc Kinh đã sẵn sàng làm việc với ASEAN để thúc đẩy Bộ COC (?!).
Nhưng thực chất của việc Trung Quốc nhiều năm qua đã hứa nhưng không chịu đàm phán thực chất COC chính là mưu toan của Bắc Kinh nhằm che đậy hành động bồi lấp và xây dựng trái phép đã và đang diễn ra trên các đảo, bãi rạn san hô của Việt Nam ở Trường Sa. Một khi những hành động đó của họ diễn ra thì họ coi đó là chủ quyền thực tế, để đưa ra những đòi hỏi và có những hành động phi lý như: kiểm tra an ninh hàng hải, lập vùng nhận dạng hàng không, xây dựng các cơ sở quân sự, khai thác dầu khí, gây áp lực với Việt Nam và một số nước có chủ quyền ở Biển Đông…
Tổng Thư ký Bộ Ngoại giao Malaysia Othman Hashimn cho biết, một trong những vấn đề mà Hội nghị quan chức cấp cao ASEAN (SOM ASEAN) vừa đề xuất bàn thảo tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 48 (AMM 48), dự kiến diễn ra vào tháng 8 tới tại Kuala Lumpur (Malaysia), là tiến hành đàm phán về COC. Vấn đề này đã được bàn thảo kỹ lưỡng tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 26 vừa qua tại Kuala Lumpur và Langkawi cho nên COC phải được đưa vào chương trình nghị sự chứ không thể kéo dài hơn nữa.
Trả lời câu hỏi của phóng viên TTXVN đang có mặt tại Timor Leste về quan điểm của chính phủ Timor Leste đối với những tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông giữa Trung Quốc và một số nước thuộc khu vực Đông Nam Á, Bộ trưởng Coelho cho rằng, vấn đề Biển Đông rất phức tạp, đòi hỏi thiện chí của tất cả các bên. Theo ông, việc giải quyết mọi tranh chấp lãnh thổ cần được thực hiện thông qua các biện pháp hòa bình, tôn trọng các nguyên tắc của luật pháp quốc tế. Ông cũng kêu gọi các bên liên quan sớm đạt được COC, bởi đây là cách tốt nhất để xử lý các tranh chấp chủ quyền trên biển.
Dư luận đang theo dõi chờ xem hành động của Bắc Kinh sắp tới ra sao khi họ một lần nữa hứa sẽ đi vào đàm phán về COC với ASEAN.
TUYẾT MINH