.

Thỏa thuận cơ bản

.

Đàm phán về Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) được khởi động từ năm 2005, đến nay đã thu hút sự tham gia của 12 nước gồm: Úc, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Mỹ và Việt Nam.

Qua hơn 5 năm đàm phán cho thấy, các nước đang nỗ lực hướng tới ký kết thỏa thuận trong thời gian sớm nhất sau khi đã bỏ lỡ hạn chót đặt ra vào cuối năm 2013. Các nhà quan sát ước tính, khi được ký kết, TPP sẽ trở thành khu vực thương mại tự do với 800 triệu dân, chiếm 30% kim ngạch thương mại toàn cầu và gần 40% sản lượng kinh tế thế giới. TPP sẽ là cơ hội lớn cho các quốc gia tham gia.

Tuy nhiên, tiến trình đàm phán với các đối tác trong vùng Thái Bình Dương không đơn giản. Chẳng hạn, đối với Nhật Bản, Mỹ luôn gặp nhiều trở ngại. Đến nay, hai cường quốc kinh tế này vẫn chưa hoàn toàn san bằng được những bất đồng về nông nghiệp và xuất khẩu xe hơi.

Thậm chí, biết tin TPP sắp đến giai đoạn đàm phán cuối cùng, hàng nghìn nông dân Nhật Bản ngày 27-7 đã xuống đường tuần hành ở thủ đô Tokyo để yêu cầu chính phủ bảo vệ các mặt hàng nông sản chủ chốt. Những người tham gia tuần hành cho rằng, chính phủ Nhật Bản chưa công bố đầy đủ thông tin về các cuộc đàm phán TPP. Đặc phái viên của chính phủ phụ trách các vấn đề TPP Kazuhisa Shibuya khẳng định, chính phủ “không bao giờ quên các nghị quyết” đã được Quốc hội thông qua hồi tháng 4-2013 nhằm bảo vệ các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của Nhật Bản.

Canada cũng chưa sẵn sàng mở cửa thị trường sữa và các sản phẩm gia cầm, nhất là trong bối cảnh cuộc bầu cử ở nước này đang đến gần nên chính phủ dè dặt…

Còn với một số đối tác còn chậm phát triển, khúc mắc tập trung vào các tiêu chuẩn bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, quyền lao động, hay các chuẩn mực bảo vệ môi trường. 12 nước tham gia đàm phán TPP đều có những quyết định khó khăn và họ phải tự đưa ra.

Việc các bộ trưởng thương mại của các nước tham gia đàm phán TPP nhóm họp tại Hawaii (Mỹ) trong 4 ngày, từ 28-7, được xem là cơ hội cuối cùng để 12 nước đạt được thỏa thuận trong năm nay, trước khi nước Mỹ chính thức bước vào mùa bầu cử năm 2016.

Các nước tham gia đàm phán gia tăng hy vọng TPP sẽ hoàn tất thỏa thuận trong năm nay sau khi Tổng thống Mỹ Barack Obama hồi cuối tháng trước được Quốc hội trao quyền đàm phán nhanh; theo đó, cho phép Nhà Trắng toàn quyền đàm phán các thỏa thuận thương mại với các đối tác bên ngoài và Quốc hội chỉ được quyền bỏ phiếu tán thành hoặc bác bỏ.

Nhận định về vòng đàm phán TPP đang nhóm họp tại Hawaii, GS Schott, thành viên cao cấp của Viện Kinh tế quốc tế Peterson có trụ sở tại Washington, cho biết phần lớn nội dung của thỏa thuận đã gần như hoàn tất, hiện chỉ còn một số ít vấn đề vẫn cần thảo luận thêm để làm rõ. Song, đây lại là những nút thắt “khó khăn nhất, phức tạp nhất hay nhạy cảm chính trị nhất” như: vấn đề quyền sở hữu trí tuệ, quy định với các doanh nghiệp Nhà nước, điều khoản về lao động và môi trường cũng như giải quyết tranh chấp giữa Nhà nước và nhà đầu tư.

Tuy nhiên, theo GS Schott, đây chỉ là bước đầu tiên của tiến trình, bởi các thỏa thuận đạt được còn phải được các nhà lập pháp mỗi nước thông qua và đầu năm 2016, hiệp định mới có thể đến tay các nhà lập pháp.

Trong khi đó, nhiều hãng truyền thông cho biết mặc dù các bộ trưởng hay đại diện thương mại của 12 quốc gia tham gia TPP có thể không ký kết một thỏa thuận trong tuần này, nhưng vẫn có khả năng đạt được thỏa thuận về cơ bản và những bất đồng sẽ được bàn thảo lần sau.

TUYẾT MINH

;
.
.
.
.
.