Chuyển động của thế giới trong những ngày qua có một số sự kiện lớn được dư luận đặc biệt quan tâm, trong đó có vấn đề nợ công của Hy Lạp và tiến trình đàm phán về chương trình hạt nhân của Iran.
Theo kế hoạch, vòng đàm phán về chương trình hạt nhân của Iran kết thúc vào ngày 30-6 nhưng các bên liên quan chưa tìm được tiếng nói chung đối với một số vấn đề nên kéo dài thêm một tuần. Ngày 5-7, khi rời bàn đàm phán ở Vienna (Áo) để trở về nước tham vấn, các ngoại trưởng nhóm P5+1 (bao gồm Mỹ, Nga, Trung Quốc, Anh, Pháp và Đức) có những tuyên bố lạc quan rằng, các bên đã đi gần tới thỏa thuận cuối cùng. Song, khi các ngoại trưởng nhóm P5+1 và Iran trở lại Vienna vào ngày 7-7, việc hóa giải những khúc mắc cuối cùng vẫn còn trên bàn đàm phán. Một người phát ngôn của phái đoàn đàm phán Iran cho biết, họ không đặt ra thời hạn cụ thể để hoàn tất thỏa thuận hạt nhân với nhóm P5+1.
Theo người phát ngôn Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Iran (AEOI) Behrouz Kamalvandi, nước này và Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế (IAEA) đã thực hiện những bước tiến quan trọng nhằm giải quyết các vấn đề tồn đọng trong chương trình hạt nhân của Tehran. Ông Kamalvandi nhấn mạnh: “Iran và IAEA đã đạt được thỏa thuận về các nguyên tắc thực thi kế hoạch hợp tác và đã tiến hành một bước đi quan trọng nhằm giải quyết những vấn đề tồn đọng”. Ông nói rằng, “chuyến thăm của phái đoàn IAEA diễn ra vài ngày sau chuyến thăm Tehran của Tổng Giám đốc IAEA Yukiya Amano là dấu hiệu cho thấy quyết tâm đúng đắn từ cả hai phía nhằm tăng cường hợp tác”. Bên cạnh đó, ông Kamalvandi còn đánh giá, đàm phán đã diễn ra “mang tính xây dựng và thẳng thắn”.
Như vậy, việc kết thúc đàm phán về chương trình hạt nhân của Iran vẫn còn ở phía trước.
Trong khi đó, chuyện nợ công của Hy Lạp vẫn chưa đi tới đâu sau khi cử tri nước này nói “không” với các điều kiện ràng buộc của các chủ nợ để tiếp tục nhận được gói cứu trợ. Hội nghị thượng đỉnh khối các nước sử dụng đồng tiền chung châu Âu (eurozone) bàn về tình hình Hy Lạp đã kết thúc lúc 4 giờ ngày 8-7 (giờ Việt Nam) mà không đạt được kết quả cụ thể, bởi Thủ tướng Alexis Tsipras không đưa ra những đề xuất theo yêu cầu. Các nhà lãnh đạo eurozone nhất trí sẽ thảo luận về gói cứu trợ thứ ba cho Athens khi các đề xuất mới của chính phủ Hy Lạp được chấp thuận.
Thủ tướng Đức Angela Merkel nói rằng, lãnh đạo 28 nước Liên minh châu Âu (EU) sẽ nhóm họp tại Brussels (Bỉ) vào ngày 12-7 tới để thảo luận mang tính quyết định về vấn đề nợ công của Hy Lạp, trong đó Athens phải đưa ra chi tiết kế hoạch cải cách trước ngày 9-7. Theo nhà lãnh đạo Đức, đây chính là điều kiện để có thể khởi động đàm phán về chương trình cứu trợ thứ ba cho Athens. Bà Merkel cũng cho biết, khi có kế hoạch cải cách, chương trình cứu trợ thứ ba trong khuôn khổ Cơ chế bình ổn châu Âu (ESM) còn phải được Quốc hội Đức thông qua để có thể bắt đầu tiến trình đàm phán.
Tuy nhiên, Thủ tướng Đức cho biết, nếu Hy Lạp đưa ra các đề xuất thỏa đáng và có hành động ưu tiên để thực thi các biện pháp đầu tiên thì bà có thể chắc chắn về một khoản tài chính ngắn hạn đáp ứng các nhu cầu chi tiêu trước mắt của Athens.
Để đạt được thỏa thuận, phải có sự nỗ lực từ hai phía. Thủ tướng Bỉ nhấn mạnh: “Nếu không có gì trên bàn, đó là bởi Thủ tướng Hy Lạp không biết đưa ra quyết định đáp ứng nguyện vọng của người dân ở lại khu vực đồng euro”. Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte cũng cho rằng, giải pháp duy nhất cho Hy Lạp là tập trung sâu vào cải cách và áp dụng những biện pháp khắc khổ.
Nhìn từ nhiều phía thì cả hai vấn đề được cho là nóng nhất hiện nay của thế giới: nợ công của Hy Lạp và tiến trình đàm phán về chương trình hạt nhân của Iran vẫn trong trạng thái hy vọng và chờ đợi những nỗ lực mạnh mẽ từ các bên liên quan để tiến tới những thỏa thuận cuối cùng. Nếu không có những quyết sách đúng đắn và quyết tâm chính trị lớn lao của các bên thì hai vấn đề gai góc nói trên cũng chỉ là “câu đợi, câu chờ” mà thôi!
TUYẾT MINH