.

Hai "cú sốc"

.

Vài năm trở lại đây, Trung Quốc có tốc độ phát triển kinh tế nhanh, tăng trưởng cao, nhanh chóng vươn lên đứng vị trí thứ hai của thế giới, sau Mỹ. Tuy nhiên, do những tác động khác nhau cả trong nước lẫn trên thế giới, tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc có dấu hiệu chững lại từ cuối năm 2014.

Đặc biệt, từ giữa tháng 6-2015 đến nay, có hai “cú sốc” đã gây những phản ứng lo ngại không chỉ đối với Trung Quốc mà nền kinh tế toàn cầu ít nhiều cũng bị tác động đáng kể.

Đầu tiên là thị trường chứng khoán lao xuống dốc, gây phản ứng tiêu cực của nhiều trung tâm tài chính thế giới. Sau khi thị trường chứng khoán Thượng Hải tăng lên mức đỉnh hồi giữa tháng 6-2015 thì quay đầu giảm tới 30% trong 3 tuần liên tiếp. “Cơn lốc” bất ngờ tràn qua thị trường chứng khoán Trung Quốc đã “cuốn theo chiều gió” hơn 3.000 tỷ USD.

Nguyên nhân, theo nhiều nhà phân tích kinh tế, là xu hướng các nhà đầu tư không còn mặn mà với Trung Quốc. Raymond Dalio, nhà tỷ phú sáng lập quỹ Bridgewater, quản lý 169 tỷ USD tài sản, cho rằng Trung Quốc không còn cung cấp “những nơi an toàn để đầu tư”.

Sau khi đặt cược vào sự tăng trưởng và phát triển của tầng lớp trung lưu ở Trung Quốc, Raymond Dalio từng cho rằng, phải đẩy mạnh đầu tư nhanh chóng, nhưng hiện nghi ngờ khả năng của Trung Quốc có thể duy trì sự tăng trưởng cao trong thời gian dài trong khi Chính phủ Bắc Kinh vẫn kiểm soát chặt chẽ thị trường nội địa.

Cùng với quỹ Bridgewater, quỹ đầu tư Kingdon Capital Management tại New York quản lý 3 tỷ USD vốn cũng đã thông báo với khách hàng rằng, quỹ đã bán toàn bộ cổ phiếu trong các công ty Trung Quốc niêm yết tại Hong Kong.

Quỹ Elliott Management, quỹ Perry Capital và Pershing Square Capital Management cũng công khai bày tỏ quan ngại trước việc đầu tư vào thị trường Trung Quốc. Thậm chí, trong cuộc hội thảo về đầu tư tại New York vừa qua, giới đầu tư còn cho rằng, tình hình tại Trung Quốc hiện nay còn xấu hơn tại Mỹ năm 2007.

Số vốn rút ra khỏi Trung Quốc một phần sẽ được chuyển về “quê mẹ” của các quỹ nhưng một phần khác cũng sẽ được đa dạng đầu tư vào các thị trường khác. Điều này cho thấy dấu hiệu sụt giảm của nền kinh tế Trung Quốc ngày càng hiện rõ.

Nhằm ngăn chặn đà suy giảm, Chính phủ Trung Quốc phải can thiệp bằng gói giải cứu, trong đó có việc cấp vốn cho Công ty Tài chính chứng khoán Trung Quốc (CSF) để mua cổ phiếu. Theo báo cáo mới đây của Goldman Sachs, Chính phủ Trung Quốc đã chi 860-900 tỷ Nhân dân tệ (NDT) để hỗ trợ thị trường chứng khoán trong tháng 6 và tháng 7-2015. Báo cáo này cũng cho hay, tổng số vốn của quỹ đặc biệt dùng để hỗ trợ thị trường chứng khoán của Trung Quốc vào khoảng 2.000 tỷ NDT, bao gồm số vốn đã chi.

Để trấn an dư luận, Thủ tướng Lý Khắc Cường khẳng định Trung Quốc tự tin và có khả năng ứng phó với những rủi ro, thách thức xảy ra với nền kinh tế nước này. Theo ông, các chỉ số kinh tế chủ chốt đã ổn định và những dấu hiệu tích cực đang xuất hiện trong nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, cùng với các kết quả hoạt động kinh tế trong nửa đầu năm nay đã ở mức hợp lý.

Cú sốc thứ hai là ngày 11-8, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) đã điều chỉnh tỷ giá đồng NDT xuống mức thấp nhất so với đồng USD trong 3 năm qua. PBoC ấn định tỷ giá hối đoái của đồng NDT từ 6,1162 NDT/1 USD của ngày 10-8 tăng lên 6,2298 NDT/1 USD. Ngân hàng này cho biết, việc giảm 1,9% sẽ giúp tỷ giá hối đoái theo định hướng thị trường hơn, đặc biệt trong bối cảnh tình hình kinh tế tài chính quốc tế phức tạp, kinh tế Mỹ đang trong quá trình phục hồi, mà dự kiến trong năm nay FED sẽ tăng lãi suất khiến đồng USD tiếp tục tăng giá trị, trong khi đồng euro và đồng yen có chiều hướng giảm, tiền tệ thuộc các nền kinh tế mới nổi mất giá, lưu thông vốn quốc tế dao động lớn...

Việc Trung Quốc chủ động điều chỉnh tỷ giá đồng NDT, ấn định tỷ giá hối đoái của NDT giảm gần 2% khiến thị trường tiền tệ châu Á biến động, trong đó đồng dollar Singapore và đồng won Hàn Quốc lần lượt giảm 0,6% và 1,2%, đồng thời thị trường chứng khoán châu Á cũng theo đà sụt giảm.

Ngân hàng Societe Generale (Pháp) dự báo tiền tệ của các thị trường mới nổi sẽ tiếp tục mất giá một thời gian dài nếu Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng lợi nhuận lần đầu tiên dự kiến vào tháng 9 tới. Chuyên gia kinh tế Nhật Bản Masafumi Yamamoto, Công ty Monex (Tokyo), lo ngại việc Bắc Kinh can thiệp mạnh vào đồng tiền có khả năng châm ngòi cho một cuộc “đua tranh hạ giá đồng tiền” tại châu Á. Trong khi đó, một quan chức Bộ Tài chính Mỹ nói: “Mặc dù hiện vẫn còn quá sớm để đánh giá về những tác động đầy đủ của sự thay đổi này (Trung Quốc định giá lại đồng NDT) nhưng Bắc Kinh đã cho thấy những thay đổi được công bố ngày hôm nay là một bước đi nữa của nước này trong việc tiến tới một tỷ giá hối đoái do thị trường quyết định nhiều hơn. Bất kỳ động thái đảo ngược các biện pháp cải cách nào cũng sẽ là một diễn biến tiêu cực”.

Có thể nói, hai “cú sốc” nói trên cho thấy những dấu hiệu bất ổn đang tiềm ẩn trong nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, buộc các nước phải có những biện pháp phòng ngừa để ngăn chặn những tác động tiêu cực có thể xảy ra.

TUYẾT MINH

;
.
.
.
.
.