.

Hiểm họa mang tên "chứng khoán"

Tình hình quốc tế trong mấy ngày qua, nhất là tại Trung Quốc - nền kinh tế thứ hai thế giới - đã xảy ra rất nhiều sự kiện gây những tác động sâu sắc trong đời sống chính trị và kinh tế không chỉ của khu vực mà cả nhân loại.

Vụ nổ kho hóa chất ở Thiên Tân làm tê liệt thành phố 15 triệu dân - trung tâm xuất nhập cảng hàng đầu quốc gia và sau đó là các vụ nổ một số thành phố khác của Trung Quốc, cùng với việc phá giá đồng Nhân dân tệ (NDT) cho thấy những dấu hiệu bất ổn của nền kinh tế nước này. Hơn thế, nó cũng tạo ra chuỗi phản ứng tiêu cực về kinh tế trên quy mô toàn cầu.

Đặc biệt, thị trường chứng khoán ở các trung tâm lớn của thế giới liên tiếp trong mấy ngày qua có những biến động khó lường, thậm chí được các nhà quan sát cho rằng đang đứng trước nguy cơ khủng hoảng toàn cầu mới.

Để đối phó với thị trường chứng khoán sụt giảm, Bắc Kinh từng tung ra rất nhiều tiền để cứu vãn, gần đây nhất là hôm 19-8 đã “bơm” 100 tỷ USD cho các ngân hàng và 17 tỷ USD cho 14 định chế tài chính, nhưng các nhà đầu tư vẫn lo ngại việc hỗ trợ không thể kéo dài.

Ngày 24-8, trang tin New York Times đăng bài của tác giả Neil Irwin phân tích về những bất ổn trên thị trường tài chính toàn cầu. Theo bài báo, tuần qua, thị trường tài chính toàn cầu đã một phen chao đảo và bắt đầu làm mọi người lo lắng.

Tại phiên giao dịch ngày 24-8, chỉ số chứng khoán Thượng Hải (Shanghai Composite) giảm mạnh 8,5%. Đây là sự xuống dốc nặng nề nhất kể từ 8 năm qua, xóa đi tất cả lợi tức đạt được từ đầu năm đến nay. Thị trường chứng khoán Thẩm Quyến, đứng hàng thứ hai tại Trung Quốc, mất 7,61%, kéo theo Hong Kong sụt 4,64%  và xu hướng tiêu cực này đã lan sang các thị trường tài chính trên toàn thế giới. Khoảng 812 tỷ USD đã bị “bốc hơi” tại Phố Wall, biến ngày đầu tuần 24-8 thành “ngày đen tối nhất” đối với các cổ phiếu chủ lực tại thị trường chứng Mỹ. Nguyên nhân chủ yếu gây hoảng loạn trên thị trường chứng khoán Mỹ cũng như thế giới trong ngày 24-8 là từ các mối lo ngại ngày càng gia tăng của các nhà đầu tư về thực trạng và viễn cảnh không mấy sáng sủa từ nền kinh tế Trung Quốc.

Một câu hỏi được đặt ra là tại sao khủng hoảng Trung Quốc khiến mọi người lo ngại?

Lý giải câu hỏi trên, tờ Libération (Pháp) trong bài “Hiệu ứng bông tuyết” cho rằng, hiện tượng sụt giảm mạnh hiện nay của nền kinh tế Trung Quốc được dự báo trước từ nhiều năm nay và phản ánh rõ nét sự tăng trưởng bất cân bằng. Một nhà nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu tiềm năng và thông tin quốc tế (CEPII) nhận định: Từ giai đoạn phát triển dễ dàng nhờ các quỹ đầu tư lớn và công nghiệp hóa được thúc đẩy mạnh, Trung Quốc đang rơi vào giai đoạn phức tạp hơn và nền kinh tế thứ hai của thế giới khó lòng duy trì được tốc độ tăng trưởng trước đây.

Từ những năm 2000, đầu tư là động cơ phát triển của nền kinh tế Trung Quốc. Thế nhưng, nguồn đầu tư này đang giảm dần, buộc Bắc Kinh phải tập trung phát triển tiêu thụ nội địa, nhưng cũng từ đó, quốc gia này tích tụ thêm nhiều “bong bóng” mới. Trước hết là “bong bóng” bất động sản, chiếm tới 15% GDP. Nếu bong bóng này vỡ sẽ gây hậu quả nghiêm trọng hơn nhiều so với vỡ bóng bóng bất động sản tại Tây Ban Nha, chiếm 13% GDP của nước này.

Tiếp theo là bong bóng chứng khoán. Tại sàn chứng khoán Thượng Hải lớn nhất Trung Quốc, tích lũy vốn tại đây tăng từ 500 tỷ USD lên 6.500 tỷ USD vốn từ tháng 6-2014 đến 6-2015. Để tránh việc vốn đầu tư tăng thêm, tháng 6 vừa qua, Bắc Kinh siết chặt điều kiện giao dịch, trước khi nới lỏng trở lại vào 3 tuần sau đó, sau khi 3.000 tỷ USD vốn bốc hơi. Từ đó, chính phủ đã 3 lần liên tiếp phá giá đồng NDT. Điều này chứng tỏ sự thất bại của chính sách tăng trưởng dựa trên nhu cầu và phân phối tín dụng tràn lan. Chính sách này không chỉ gây lo ngại trong nội bộ Trung Quốc, mà còn kéo theo cả thị trường thế giới.

Theo nhận định của các nhà phân tích, trong bối cảnh nền kinh tế châu Âu không tăng trưởng và Trung Quốc đang có dấu hiệu xuống dốc, mọi điều kiện báo động sự suy sụp mới đều đã hội tụ. Dù khó có thể dự đoán được quy mô về cuộc khủng hoảng sắp tới, nhưng nó cũng sẽ nghiêm trọng như cuộc khủng hoảng xảy ra vào năm 2008, vì các nước đã dốc hết sức lực để vực dậy từ sau sự kiện này.

Dù hiện nay, cuộc khủng hoảng mới chỉ bắt đầu mang tên “chứng khoán” nhưng hoàn toàn có thể nhanh chóng trở thành cuộc khủng hoảng tín dụng trên quy mô toàn cầu như hồi năm 2008, vì mất lòng tin nên không ai hay tổ chức nào muốn cho vay tiền.

Như vậy, khi những hiểm họa mang tên “chứng khoán” trở thành cơn ác mộng như cuộc  khủng hoảng tín dụng năm 2008 thì những nước đang phát triển sẽ là những nạn nhân đầu tiên.

TUYẾT MINH

;
.
.
.
.
.